Việt tửu luận

07/02/2019 - 06:00

PNO - Trên trống đồng Đông Sơn ngàn xưa đã có hình ảnh thổ dân Lạc Việt uống rượu cần. Đó là một nét văn hóa, đương nhiên. Nhưng đến giờ, khi rượu bia gây đại họa, lại cuống quýt phủ nhận nó “không phải là văn hóa”.

Phan Ngọc đã chốt hạ: văn hóa không phải là một CÁI mà là một CÁCH! Diễn giải đầy đủ theo ý của học giả hàng đầu về văn hóa Việt này, văn hóa không phải một vật để có thể tùy ý phân xuất, mà như là một quan hệ, tác động, cách lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người… Đó cũng là quan điểm mà giáo sư Trần Quốc Vượng kiên trì đeo đuổi - văn hóa là một phức thể (multiplexe) những động tác và hiệu quả qua lại giữa con người, tự nhiên cùng xã hội. 

Từ giác độ này, có thể suy ra: rượu không phải là một Thứ, một Món, mà phải được nhìn như là một Cách. Bởi cái “hậu” của cách ứng xử với ly rượu mới là chuyện để nói. Nếu không lại sa vào đủ thứ loạn chiêu, nhầm lẫn.   

Viet tuu luan

Trên trống đồng Đông Sơn ngàn xưa đã có hình ảnh thổ dân Lạc Việt uống rượu cần. Đó là một nét văn hóa, đương nhiên. Nhưng đến giờ, khi rượu bia gây đại họa, lại cuống quýt phủ nhận nó “không phải là văn hóa”. Rằng không nên coi “uống” là hành vi văn hóa. Đó là sai lầm. 

Hành trạng, cung cách uống rượu của các tửu đồ Việt qua tuồng tích, thơ phú ngàn năm gợi lại thoạt coi có vẻ tương đồng với đệ tử Lưu Linh bên Trung Hoa. Nhưng thực ra khác nhiều lắm. Khác từ người uống, thức uống lẫn cách uống. Thức uống về cơ bản không khác nhau mấy về nguyên lý chưng cất ban đầu. Nhưng rượu Việt không cầu kỳ mỹ miều về tên gọi lẫn cách gia giảm hương vị, hay gán với những câu chuyện, triết lý to tát. Rượu Việt cứ thuần tên đất, tên làng, tên sự vật mà gọi. Những Bàu Đá, Kim Long, Kim Sơn, Mẫu Sơn, làng Vân, Gò Đen, làng Chuồn, Đá Bạc, đến cuốc lủi, rượu ngô, táo Mèo, nếp cái, nếp cẩm, nếp than, rượu cần, rượu mơ, chuối hột...

Viet tuu luan

Người Việt uống rượu cũng không cầu kỳ sắm vai tao nhân mặc khách tiêu dao, thi phú hay luận anh hùng mà thường xuề xòa, xoa tay đập chân ngồi xuống, thiên về “chén chú chén anh”, bù khú là chính. Phương Tây rượu ai nấy uống, tiền ai nấy trả. Còn người Việt rượu đa phần thuộc về đám đông với đình đám, cỗ bàn. Trung Hoa đề cao trạng thái tiên tửu, người Việt lại “ngông” còn hơn thế: “Hiu hiu gió thổi đầu non/ Mấy thằng uống rượu là con Ngọc hoàng”. 

Chất dân dã rượu chè chỉ có ở Việt, độc đáo với câu chuyện “Phật say” qua bài thơ tương truyền là của Trạng Quỳnh: 

Ông đứng chi mà đứng mãi đây?
Dập dềnh như tỉnh lại như say, 
Vãi nào đã chuốc cho ông rượu?
Còn có cho vay một nậm đầy.

Viet tuu luan

Chuyện kể rằng thời Lê Trung Hưng, một lần Quỳnh vào làng Thụy Chương (Thụy Khuê ngày nay) - một làng nổi tiếng nấu rượu ngon ven hồ Tây để tìm mua rượu. Bên hồ có một ngôi chùa cũ đổ nát, trong có pho tượng tay chống gậy, xiêu vẹo, nghiêng ngả, bèn tức cảnh làm thơ. Từ đó, dân làng ai cũng gọi tượng là “Phật say”. Truyện này đã được Nguyễn Trãi chép vào cuốn Dư địa chí từ năm 1435. 

Tất nhiên ngoài tính chất hồn nhiên làng xã, men rượu Việt từ ngàn đời còn lay động tâm thức đến tận bây giờ với biết bao cảm khái, nỗi niềm sâu xa của những danh sĩ, thi nhân, trí thức. Để lại cả kho tàng những tác phẩm, câu chuyện, giai thoại, trong đó chất chứa, giãi bày khí phách, tâm sự thế thời, tri âm tri kỷ, lãng đãng kiếp người…  

Viet tuu luan

Nhưng rồi rượu nào cũng vậy, sau phút giây thăng hoa cũng đều phải chạm mặt với cảnh “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” (Nguyễn Du). Ngộ ra rằng, cuối cùng chúng ta cũng chỉ “Rót đau lòng ấy vào đau lòng này như Trần Huyền Trân với Tản Đà. Rằng “Lấy rượu tưới sầu, sầu càng sầu” (tương tửu kiêu sầu, sầu cánh sầu) như Lý Bạch. 

Vậy là câu chuyện về rượu khi uống xong cũng chưa kết thúc. Và đây mới là phần quan trọng, bắt đầu cho những cách ứng xử cần thiết tiếp theo. Mọi hệ lụy cũng từ đây. Đáng tiếc, tửu đồ Việt hiện nay đa phần không chọn lựa được cái CÁCH ứng xử đúng nhất cho mình. Để mỗi khi tàn cuộc nhìn quanh bỗng thấy ai nấy đều toát lên “khí phách” của những “ông trời con”, khiến xã hội hốt hoảng, nghi ngờ và tìm cách “dẹp” đi thứ niềm vui trần thế này. 

Đời người không thể thiếu men say - chất men không chỉ đến từ rượu. Là thứ RƯỢU vĩnh hằng của đời sống, mà từ hơn 800 năm trước thi sĩ xứ Ba Tư Jalal ad-Din Rumi đã ca tụng: “Trước khi trên thế gian này có một khu vườn, một cây nho, có quả nho thì linh hồn chúng ta đã say thứ rượu bất tử ấy”. 

Trần Tuấn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI