Kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc Khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022)

Viết tiếp ước mơ của người nằm xuống

01/09/2022 - 06:12

PNO - Kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945) và Quốc khánh (2/9/1945), Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ thân nhân các Mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ, anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân với chủ để “Sống tiếp ước mơ”. Qua những câu chuyện được chia sẻ, người nghe như được sống trong những ngày kháng chiến khốc liệt, từ đó hiểu hơn về những giá trị to lớn của nền hòa bình, độc lập.

Phải giữ cho được độc lập, hòa bình

Giao lưu trong chương trình, nhà văn - họa sĩ Bùi Quang Lâm không thể giấu được nước mắt trên khuôn mặt nhiều vết sẹo. Ông là người từng vào sinh ra tử ở chiến trường Tây Nam, mang trên mình di chứng vết thương. 

Nhắc đến em trai mình là liệt sĩ Bùi Thanh Tùng, ông xúc động: “Ngày tôi đi bộ đội về, Tùng muốn nghe tôi kể chuyện chiến trường. Chiến trường ra sao thì tôi kể vậy. Tùng nói: “Anh lên đường được thì em cũng lên đường được”. Trước khi đi bộ đội, Tùng nói sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sẽ về nhà tiếp tục đạp xe ba gác nuôi đứa cháu ruột mồ côi mẹ. Nhưng cuối cùng, Tùng đã không về”.

Trong một buổi chiều, từ biên giới Thái Lan lùi về, người lính trẻ Bùi Thanh Tùng lạc vô bãi mìn. Khi chiến tranh kết thúc, gia đình nhà văn Bùi Quang Lâm chỉ có thể tìm đến nơi liệt sĩ Bùi Thanh Tùng nằm xuống, thỉnh nắm đất về hương khói. Sau khi rời quân ngũ, nhà văn Bùi Quang Lâm đã gửi lại tất cả huân chương, huy chương, bằng khen cho những người đã nằm xuống và những bà mẹ đã tiễn con ra trận. Ông nói: “Họ mới chính là anh hùng. Còn tôi chỉ xin giữ lại trong lòng một tâm niệm yêu nước”.

“Đất nước này không còn, ta đi về đâu?” - ông nhắc đi nhắc lại câu nói đó với những người trẻ. Theo ông, để có được độc lập, hòa bình, đất nước này đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. 

Các nhân vật giao lưu trong chương trình “Sống tiếp ước mơ”. Từ phải sang: bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm, bà Đặng Thị Tiệp (vợ của chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai), nhà văn Bùi Quang Lâm, anh Trần Vũ Bình
Các nhân vật giao lưu trong chương trình “Sống tiếp ước mơ”. Từ phải sang: bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm, bà Đặng Thị Tiệp (vợ của chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai), nhà văn Bùi Quang Lâm, anh Trần Vũ Bình

Thay lớp cha anh chăm lo thế hệ trẻ 

Mẹ mất vì suy kiệt do đòn roi tra tấn của kẻ thù, cha bị kết án tử hình, 13 người thân bên nội bị giặc bắt trói, tưới xăng đốt sống trong cùng một ngày. Đó là câu chuyện truyền thống cách mạng của gia đình nữ bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm - nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM. 

Bác sĩ Minh Tâm là con gái của ông Huỳnh Văn Một - Trưởng ban Quân sự miền Đông, người trực tiếp chỉ đạo phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa của H.Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An) - và bà Dương Thị Huê - Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bác sĩ Minh Tâm tâm sự: “Sự hy sinh của người thân đã nung nấu ý chí để tôi tham gia cách mạng từ rất sớm. Cũng từ đó, tôi hiểu được giá trị to lớn của nền hòa bình, độc lập”.

Khi còn sống, ông Huỳnh Văn Một thường nói: “Con hãy nhớ về quê hương, về những vùng đất khó khăn mà ba đã gắn bó”. Nhớ lời cha dạy, từ năm 2010, khi vừa nghỉ hưu, bác sĩ Minh Tâm đã vận động con cháu trong gia đình thành lập quỹ khuyến học mang tên cha. Từ năm 2010-2013, bà đã trao nhiều suất học bổng Huỳnh Văn Một cho học sinh vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng ở các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tây Ninh. Theo bà, đó cũng là cách để bà tri ân những người đã nằm xuống vì đất nước.

Từ năm 2013, được sự cấp phép của Sở Nội vụ TPHCM, quỹ Khuyến học Huỳnh Văn Một được đổi tên thành quỹ Hỗ trợ giáo dục và tài năng thể thao học đường TPHCM, nhằm hỗ trợ cộng đồng trong lĩnh vực giáo dục và rèn luyện thể chất cho học sinh, sinh viên. Bà Minh Tâm cho biết, hiện nay, những em nằm trong chương trình hỗ trợ của quỹ sẽ được tài trợ kinh phí học võ, học Anh văn, nhưng trước tiên, phải yêu đất nước bằng những việc làm cụ thể là học tốt, chấp hành kỷ luật tốt, biết nghĩ đến cộng đồng. 

“Chúng ta phải tiếp nối những việc làm dang dở của cha ông, không chỉ là gìn giữ nền độc lập vô giá mà còn phải làm những việc cụ thể vì sự phát triển của đất nước” - bà Minh Tâm nói về ý nghĩa của quỹ học bổng do gia đình bà sáng lập. Trong 12 năm qua, quỹ này đã trao gần 3.000 lượt học bổng cho học sinh, sinh viên. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI