Hai đứa trẻ ấy lớn lên với những trải nghiệm khác biệt so với trải nghiệm của các nhân vật từ nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng trên thế giới. Thế nhưng, hai nhân vật ấy vẫn có một điểm chung kết nối với thiếu nhi toàn cầu - tình yêu thiên nhiên, hòa bình và niềm tin mình có thể góp phần thay đổi vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Nếu muốn thay đổi, cứ làm đi!
Mùa đầu tiên của chuỗi phim hiện đã hoàn thành 10 tập. Mỗi tập chỉ vỏn vẹn 7 phút nhưng chứa đựng thông điệp giáo dục xuyên suốt. Ở mỗi tập là một trải nghiệm tương tác giữa cặp song sinh 5 tuổi Aya và Yusuf với động vật, thiên nhiên cũng như cách ứng xử của cả hai với nhau. Bối cảnh trong các tập phim là bối cảnh chung từ Ả rập. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Anh với đội ngũ diễn viên lồng tiếng đều là những người ấp ủ tâm huyết tạo ra những sản phẩm giá trị cao cho thiếu nhi. Tác giả chuỗi phim mong muốn qua đó có thể gửi gắm hình ảnh tích cực từ trẻ em Trung Đông đến trẻ em toàn cầu.
Tác giả của loạt phim hoạt hình này là Sara Sawaf - nhà sáng lập và điều hành hãng phim hoạt hình Aya. Người mẹ đến từ Syria có hai con là Aya (7 tuổi) và Yusuf (6 tuổi). Trăn trở lớn nhất của Sara là cứ phải loay hoay tìm kiếm những chương trình, nội dung mới mẻ phù hợp với lứa tuổi các con. Quanh quẩn chỉ có những phim hoạt hình đã cũ hoặc những chương trình vô bổ. Thế là Sara bắt tay tìm tòi và thử nghiệm sản xuất nội dung dành cho thiếu nhi.
Năm 2016, chị tung ra tập phim thử nghiệm Sara và Fares. Tập phim lẻ này nhận được hàng loạt phản hồi tích cực từ phụ huynh, trẻ em và cả những nhà giáo dục; là điều mà mọi người đang tìm kiếm bấy lâu. Nhiều giáo viên sau khi xem tập phim trên đã trao đổi với Sara, đề nghị được đưa vào bài giảng của mình. Đây chính là động lực để Sara mạnh dạn sản xuất chuỗi phim hoạt hình Aya và Yusuf.
Aya và Yusuf có hai nhân vật chính cũng là tên hai con của Sara. Thông qua dự án này, Sara muốn gửi đến những đứa trẻ chuỗi bài học giá trị cuộc sống. Chị tốt nghiệp chuyên ngành thương mại, từng có 10 năm nghiên cứu về kinh Koran nên đã xây dựng những tập phim xoay quanh triết lý sống.
Khi nhắc đến thế giới Hồi giáo, không ít người vẫn có cách nhìn đầy định kiến. Cũng vì lý do trên, Sara muốn giới thiệu đến phần còn lại của thế giới hình ảnh thật khác của những người theo đạo Hồi. Người phụ nữ ấy nói về ý tưởng của mình: “Đây không chỉ là những giá trị sống của người Hồi giáo mà khi đặt trong bối cảnh toàn cầu, đây cũng là giá trị nhân văn đầy ý nghĩa. Trẻ em dù ở bất cứ đâu cũng cần học cách nói lời tử tế, học tin tưởng, sự công bằng, kiên nhẫn và trân trọng những điều mình đang có”.
Sara không một mình thiết kế nội dung. Chị mời các chuyên gia tâm lý cùng ngồi lại xây dựng mạch phim với đối tượng hướng tới là trẻ em từ 2-8 tuổi, độ tuổi thích hợp tiếp cận giá trị bản thân, giá trị cuộc sống thông qua cách chuyển tải đơn giản, trực quan sinh động. Một yêu cầu không kém phần quan trọng là nội dung phải thật hài hước, vui nhộn vì với những đứa trẻ, phim ảnh trước tiên phải giúp các con giải trí. Thông qua giải trí, các con học được bài học hữu ích. Người chốt lại và đưa ra nội dung cuối cùng cho loạt phim là nhà biên kịch Nizard Wattad đang sống ở Los Angeles. Đây cũng là người cộng tác viết kịch bản cho Netflix.
Bài học về giá trị sống
Trong quá trình đồng hành cùng hai con, Sara đã tiếp cận rất nhiều nghiên cứu về giáo dục và tâm lý từ Đại học Harvard (Mỹ). Các nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ nếu lớn lên cùng sự nuôi dưỡng giá trị sống sẽ dễ dàng trở thành những người lớn có trách nhiệm, tự tin với hệ giá trị sẵn có bên trong. Khi tìm kiếm những nội dung vừa giáo dục, vừa mang tính giải trí cho các con, Sara thấy được khoảng trống rất lớn giữa những bài học xuất phát từ thế giới Trung Đông. Sara tin rằng bất cứ khi nào muốn có sự thay đổi, ta hãy dấn thân, góp một phần vào sự thay đổi ấy. Chị hiểu rằng thật vô lý nếu trông đợi ai đó thực hiện ước mơ giúp mình.
Sara lớn lên với những bộ phim hoạt hình được chiếu trên truyền hình, phải đợi đến giờ phát sóng mới xem được. Chị cũng như bao đứa trẻ ngày ấy phải chờ đến ngày chiếu tiếp theo để theo dõi bộ phim hoạt hình mình yêu thích. Sara nhận ra sự khác biệt rất lớn đối với thế hệ con chị.
Chị bộc bạch: “Bọn trẻ bây giờ lúng túng trong việc lựa chọn một chương trình để xem vì có quá nhiều thứ sẵn sàng chen vào, cố gắng gây ấn tượng với chúng. Trên YouTube có vô số nội dung và một khi đã bấm vào theo dõi, trẻ khó lòng thoát ra được. Trong khi đó, không ai có thể chắc chắn rằng nội dung được lọc sạch sẽ. Có rất nhiều nội dung hữu ích trên mạng để khai thác nhưng cũng có vô vàn nội dung bẩn, đó là điều mà phụ huynh không hề mong muốn”.
Trẻ em rất yêu thích các loài vật. Đó là lý do Sara cùng cộng sự chọn lồng ghép những con vật thành nhân vật đồng hành của hai bạn nhỏ. Đôi khi, những con vật ấy gây rắc rối nhưng cũng chính chúng lại hết mình giúp đỡ Aya và Yusuf khi cần. Bài học về tình yêu loài vật không cần những câu giáo điều, không cần triết lý phức tạp mà chỉ cần cho các con hiểu được ý nghĩa của những mẩu trò chuyện, tương tác.
Trong tập phim Trà và mật ong, các loài vật đã hỗ trợ hai bạn nhỏ tìm kiếm nguyên liệu để pha một cốc trà đặc biệt dành cho ông bà, giúp ông bà cảm thấy dễ chịu hơn. Qua tập phim này, không chỉ học được cách quan tâm đến người thân, trẻ còn biết được công dụng của mật ong, chanh, gừng, bạc hà - những nguyên liệu dễ tìm thấy quanh nhà.
Toàn bộ 10 tập phim trong mùa đầu tiên đã được đăng trên trang web ayaanimations.com. Nhóm của Sara đang nỗ lực tìm kiếm những nhóm lồng tiếng phục vụ các em nhỏ đang dùng những ngôn ngữ khác nhau. Từ ý tưởng ban đầu của mình, Sara cùng các cộng sự đã viết nên tuổi thơ không chỉ cho trẻ em Trung Đông mà cho trẻ em ở bất cứ đâu trên trái đất này. Khán giả khi xem phim sẽ cảm nhận không có lằn ranh giữa văn hóa phương Đông với phương Tây mà sự hòa quyện khéo léo giúp tất cả nhận thấy có một sợi dây liên kết mật thiết mọi người với nhau và có một mái nhà chung cho tất cả cùng tồn tại.
Thiên Anh