Việt Nam vững vàng vượt qua các thách thức

02/09/2024 - 06:11

PNO - Xung đột địa chính trị ngày càng nóng trên toàn cầu và tình trạng biến đổi khí hậu là 2 trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện tại. Dù vậy, với đường lối lãnh đạo đúng đắn và sự chuẩn bị đầy đủ, Việt Nam vững vàng vượt qua, biến khó khăn thành cơ hội.

Từ sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Việt Nam đã triển khai dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển đồng bằng sông Cửu Long với ngân sách 2,9 triệu USD. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch tôm ở Trà Vinh - ẢNH: H.LỢI
Từ sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Việt Nam đã triển khai dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển đồng bằng sông Cửu Long với ngân sách 2,9 triệu USD. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch tôm ở Trà Vinh - ẢNH: H.LỢI

Ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu

Với địa hình phức tạp trải dài nhiều kinh độ, Việt Nam được xác định là quốc gia dễ xảy ra thiên tai và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), các vùng đồng bằng ven biển và đồng bằng sông trũng thấp của Việt Nam có nguy cơ rất cao bị ảnh hưởng vì mực nước biển dâng. Ước tính 6-12 triệu người có khả năng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven biển vào năm 2070-2100 nếu không có những hành động thích ứng hiệu quả.

Một báo cáo về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (LHQ) năm 2022 cảnh báo: bộ phận dân số dự kiến vào khoảng 3-9 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven sông vào năm 2035-2044. Bên cạnh đó là tổn thất về năng suất nông nghiệp đối với các loại cây lương thực và cây công nghiệp chủ chốt do nhiều nguyên nhân, bao gồm xâm nhập mặn và sự thay đổi phạm vi địa lý khả thi của các loài thực vật.

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa sẽ giảm 10%, đe dọa tình hình an ninh lương thực và ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Mực nước biển dâng dẫn đến xâm nhập mặn ở khu vực phía Nam cùng các con đập mới bao quanh thượng nguồn sông Mê Kông khiến việc canh tác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khó khăn hơn. Một báo cáo của WB ước tính: tác động của khí hậu gây thiệt hại cho Việt Nam 3,2% GDP (10 tỉ USD) vào năm 2020, với tổn thất dự kiến ​​lên tới 14,5% GDP vào năm 2050.

Để ứng phó với tương lai này, tại Hội nghị biến đổi khí hậu của LHQ (COP26) năm 2021, Việt Nam đã công bố mục tiêu không phát thải các bon (GHG) vào năm 2050, xem xét điều chỉnh mục tiêu của kế hoạch Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về khí hậu nhằm cắt giảm khí thải và thích ứng với các tác động của khí hậu.

Việt Nam cũng đã ký Cam kết khí mê tan toàn cầu; Liên minh giảm phát thải bằng cách tăng tốc tài chính lâm nghiệp (LEAF); Tuyên bố của lãnh đạo về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu tháng 11/2021; Tuyên bố chuyển đổi than toàn cầu sang điện sạch; Lời kêu gọi hành động để nâng cao tham vọng thích ứng và phục hồi khí hậu cũng như Chương trình hành động chính sách chuyển đổi sang lương thực và nông nghiệp bền vững.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 vào tháng 1/2022, đưa ra các quy định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn. Đồng thời, Việt Nam đã cùng các quốc gia và tổ chức quốc tế thúc đẩy khả năng ứng phó biến đổi khí hậu tại địa phương.

Cụ thể như dự án Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam (GCF); phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) triển khai - xây dựng gần 5.000 ngôi nhà an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu và tái sinh 4.260ha rừng ngập mặn. Thực hiện dự án Bảo vệ hệ sinh thái ven biển đồng bằng sông Cửu Long với ngân sách 2,9 triệu USD với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID)…

Theo khảo sát mới của tổ chức Gallup, Việt Nam nằm trong tốp 4 quốc gia có tỉ lệ hộ gia đình chuẩn bị kế hoạch ứng phó thảm họa tốt nhất, bên cạnh Philippines, Thái Lan và Campuchia. 83% số người được hỏi tại Việt Nam cho biết có kế hoạch ứng phó với các trường hợp khẩn cấp - vượt xa mức trung bình toàn cầu là 38%.

Điều này cho thấy người dân có ý thức cao trong việc ứng phó thiên tai, sử dụng hiệu quả các hệ thống cảnh báo sớm với ít nguồn lực hơn. Các nhà nghiên cứu từ Gallup nhấn mạnh: các bước như lập kế hoạch hành động giúp mọi người chủ động, cảm thấy an toàn hơn và có khả năng ứng phó, sống sót tốt hơn trước các thảm họa tự nhiên.

Giữ vững nền kinh tế giữa cơn bão địa chính trị

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã theo đuổi chính sách “ngoại giao cây tre” nhằm củng cố mối quan hệ với các cường quốc và tăng cường đầu tư nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng.

Chính phủ đã tiếp tục phát triển mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc và Nga, cũng như theo đuổi mối quan hệ với nhiều cường quốc đa dạng hơn, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Về mặt kinh tế, dù tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và leo lên nấc thang trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải vượt qua các trở ngại tạo ra bởi “vòng xoáy” bất ổn địa chính trị trên thế giới, bao gồm căng thẳng Mỹ - Trung và xung đột ở Trung Đông.

Vị thế trung tâm của Việt Nam đối với chuỗi cung ứng toàn cầu được khẳng định thông qua việc tham gia vào 2 sáng kiến ​​thương mại đa phương quan trọng của châu Á - Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) - cũng như một loạt các hiệp định song phương, từ Liên minh châu Âu đến Vương quốc Anh.

Việt Nam cũng đã bắt đầu xây dựng nhiều quan hệ đối tác theo ngành hơn trong các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng và chất bán dẫn, được coi là rất quan trọng đối với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Như trong báo cáo của WB vào tháng Tám, nền kinh tế Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2024 và 6,5% trong cả năm 2025 và 2026 (từ mức 5% của năm 2023). Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam - cho biết: triển vọng kinh tế của đất nước là tích cực. Trọng tâm nên là đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Linh La (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI