Tấm gương về sự phát triển thành công
Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Việt Nam là một tấm gương về sự phát triển thành công. Những cải cách kinh tế kể từ khi bắt đầu đổi mới năm 1986 cùng những xu hướng toàn cầu có lợi, đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong 1 thế hệ.
GDP bình quân đầu người tăng gấp 6 lần trong vòng chưa đầy 40 năm, từ dưới 600 USD/người năm 1986 lên hơn 4.200 USD/người vào năm 2023; tỉ lệ người nghèo giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 5,71%. Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế đã chứng tỏ được khả năng phục hồi, vượt qua các cuộc khủng hoảng khác nhau.
Những năm gần đây, Việt Nam hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và ổn định chính trị.
Đất nước chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 8% vào năm 2022, sau đại dịch toàn cầu; tốc độ tăng trưởng hằng năm nhanh nhất kể từ năm 1997 giúp Việt Nam vượt xa thế giới và các nước ASEAN khác về tốc độ tăng trưởng GDP thực tế.
Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,5% vào năm 2024, tăng từ mức 5% vào năm 2023, nhờ nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng và niềm tin của người tiêu dùng trong nước được khôi phục. Xu hướng tăng trưởng này có nhiều khả năng duy trì trong 3 năm tới, đạt mức trung bình trước đại dịch vào năm 2026.
|
Thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu ở Công ty cổ phần Thủy sản Nam Việt, An Giang - Ảnh: H.Lợi |
Gần đây, các quan chức Mỹ cũng đang xem xét yêu cầu chính phủ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế “phi thị trường” - bước đi nhằm thúc đẩy cải thiện quan hệ ngoại giao song phương.
Trong 2 thập niên qua, Washington đã nhiều lần áp đặt thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm của Việt Nam như đĩa giấy và túi mua sắm, mật ong, tôm, máy cọ rửa áp suất khí nén và móc treo quần áo bằng dây thép.
Zachary Abuza - giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ, chuyên gia về các vấn đề chính trị và an ninh Đông Nam Á - nhận định: “Nhận được quy chế nền kinh tế thị trường là ưu tiên ngoại giao cao nhất của Việt Nam trong năm 2024, đặc biệt là sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ vào mùa thu năm 2023”.
Tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Hà Nội và nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao song phương lên mức đối tác chiến lược toàn diện, bao gồm cả các sáng kiến an ninh và kinh tế.
Việt Nam chính thức nộp đơn xin dỡ bỏ tình trạng nền kinh tế phi thị trường chỉ vài ngày trước chuyến công du của ông Biden. 1 tháng sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đồng ý tiến hành rà soát để đưa Việt Nam khỏi danh sách các nước phải đối mặt với những tiêu chí khắt khe nhất trong các vụ kiện chống bán phá giá.
Theo quy định, bộ có 270 ngày hoặc đến cuối tháng 7/2024 để hoàn thành cuộc khảo sát về hiện trạng thị trường Việt Nam. Murray Hiebert - cộng tác viên của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - nhận xét:
“Rất nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Úc, Anh, Canada, đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Việc Washington duy trì tình trạng nền kinh tế phi thị trường chống lại Việt Nam có vẻ độc đoán và phản tác dụng đối với một quốc gia mà Mỹ có quan hệ kinh tế sâu sắc, hợp tác an ninh ngày càng mạnh mẽ”.
Thúc đẩy chuỗi cung ứng công nghệ cao
Một vài xu hướng lớn đang tác động đến Việt Nam, bao gồm dân số già hóa nhanh chóng, thương mại toàn cầu suy giảm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và sự gia tăng của tự động hóa.
Để vượt qua những thách thức này, WB nhận định Việt Nam cần cải thiện đáng kể hiệu quả thực hiện các chính sách, đặc biệt là về tài chính, môi trường, bảo trợ xã hội, cơ sở hạ tầng carbon thấp và đặc biệt là chuyển đổi kỹ thuật số.
Khi Tổng thống Joe Biden đến thăm Hà Nội, ông cũng cam kết tăng cường sản xuất chất bán dẫn và thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại Việt Nam. Tháng 3/2024, hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã có cuộc gặp với nhiều cơ quan hữu quan của Việt Nam để bàn về việc đầu tư vào nhà máy sản xuất công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, chip (vi mạch).
Chia sẻ với Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM Susan Burns khẳng định: các công ty Mỹ trong nhiều lĩnh vực đang nhắm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư bán dẫn và khai khoáng.
Chính phủ Mỹ cũng đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, rà soát khung pháp lý và chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã ban hành để thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng. Đồng thời, Chính phủ Mỹ dự kiến dành ngân sách lên tới 240 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam.
Mới đây, phái đoàn của Tập đoàn Công nghệ NVIDIA (Mỹ) do Phó chủ tịch NVIDIA Keith Strier dẫn đầu đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ngày 23/4, NVIDIA và FPT công bố dự án thành lập nhà máy phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) tại Việt Nam, trị giá 200 triệu USD.
Ông Strier nói: “Chúng tôi thấy Việt Nam đã sẵn sàng cho tương lai. Sau chuyến thăm vào cuối năm 2023, CEO NVIDIA Jensen Huang nói công ty nên trở lại Việt Nam và mở rộng kinh doanh. Đó là lý do chúng tôi ở đây hôm nay”.
Ông cho biết thêm, Việt Nam có tinh thần văn hóa dân tộc sâu sắc, có trách nhiệm với tương lai và có khả năng lãnh đạo. Đây là những giá trị giúp dẫn lối thành công.
Tấn Vĩ (theo WB, FSM, CSIS, VOA)