Việt Nam vững bước bay xa trong năm Giáp Thìn 2024

10/02/2024 - 06:19

PNO - Với những thành tựu đạt được về kinh tế, chính trị, xã hội trong năm Quý Mão 2023, Việt Nam có được nền tảng vững chắc để bước sang năm Giáp Thìn 2024 với hy vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt hơn, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

Nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng

Vào nửa cuối năm 2023, Việt Nam thu hút sự chú ý của quốc tế khi đón tiếp 2 nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới chỉ trong vòng vài tháng.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Trong ảnh: Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận của Trungnam Group có tổng công suất 46,2 MW - Nguồn ảnh: Báo Chính phủ
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Trong ảnh: Nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận của Trungnam Group có tổng công suất 46,2 MW - Nguồn ảnh: Báo Chính phủ

Tháng 9/2023, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đem đến một thỏa thuận lịch sử, đưa mối quan hệ Việt Nam - Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. 3 tháng sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm và gặp gỡ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, qua đó thúc đẩy cam kết xây dựng một “tương lai chung” và tăng cường mối quan hệ chiến lược, hợp tác trong các vấn đề trọng điểm như tuần tra hàng hải, thương mại và phòng chống tội phạm. 

Tháng 11/2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản - một đối tác thương mại lớn và là quốc gia xếp thứ hai về vốn đầu tư nước ngoài (sau Singapore).

Trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp, Nhật Bản cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với Việt Nam hơn nữa, đặc biệt tập trung đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cần thiết cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập của Việt Nam trong khuôn khổ kết nối khu vực.

Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường riêng của mình bằng cách đa dạng hóa kết nối về kinh tế, đồng thời xây dựng mối quan hệ ổn định với nhiều chủ thể quốc tế giữa những biến động địa - chính trị toàn cầu. 

Cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Sau các sự kiện ngoại giao quan trọng nói trên, các chuyên gia quốc tế đã dự báo Việt Nam sẽ có thể thu hút thêm dòng vốn nước ngoài đổ vào. Tờ The Economist, ngày 23/1 - dẫn lời người đại diện một công ty điện tử - cho biết: "Khách hàng của chúng tôi nhất quyết đòi chúng tôi chuyển đến Việt Nam vì lý do địa - chính trị". Cũng theo The Economist, lực lượng lao động sản xuất trẻ, dồi dào của Việt Nam siêng năng, có trình độ học vấn khá cao và chi phí thấp hơn so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Việt Nam cũng đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm giảm thuế, thuê đất giá rẻ… 

Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê Việt Nam, năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài của 111 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam đạt 23,18 tỉ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023 đạt 5,05%, đưa quy mô nền kinh tế lên mức 430 tỉ USD, lọt vào nhóm 35 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bước sang năm 2024, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh CEBR (Anh) dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt 462 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 6,7% trong giai đoạn 2024-2028. Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC cũng dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP là 6% trong năm 2024. 

Phát triển nền kinh tế “xanh” và ngành chip bán dẫn

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện nhằm đưa tỉ lệ năng lượng tái tạo lên 30,9-39,2% vào năm 2030 và 67,5-71,5% vào năm 2050. Bên cạnh đó là nhiệm vụ giảm mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện. Cụ thể là giảm phát thải từ khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 xuống còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050, đáp ứng những điều kiện của Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Thông qua JETP, các đối tác quốc tế cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỉ USD trong vòng 3-5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

Trong năm qua, Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong lĩnh vực bán dẫn với hàng loạt thỏa thuận, dự án hợp tác phát triển với các đối tác hàng đầu từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ông John Neffeur - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ - cho biết: “Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Mỹ trong ngành bán dẫn và có thể đóng vai trò là đối tác chiến lược cung cấp nguồn lao động trình độ cao”. Tờ Nikkei Asia ngày 29/1 cho biết, Mỹ sắp rót vốn vào ngành sản xuất chất bán dẫn của Việt Nam để củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo hãng thông tấn Sputnik (Nga), từ lâu, Việt Nam đã được xem như “sân nhà thứ hai” của các “đại gia” trong ngành sản xuất chip bán dẫn thế giới như Intel, Samsung, Foxconn. Ngoài ra, trong năm 2023, Công ty Bán dẫn Hanmi (Hàn Quốc) và Công ty Infineon Technologies AG (Đức) cũng tuyên bố mở rộng hoạt động nhà máy tại Việt Nam. Vào tháng 12/2023, Jensen Huang - Giám đốc điều hành Công ty Sản xuất chip Nvidia (Mỹ) - đã đến thăm Hà Nội và nói với truyền thông rằng ông có ý định thành lập cơ sở tại Việt Nam. Trong nước, Việt Nam hiện có một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như FPT Semiconductor hay Viettel, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. 

Tấn Vĩ (theo The Economist, Sputnik, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi