Việt Nam và những tín hiệu bứt tốc sau đại dịch

01/09/2022 - 06:06

PNO - Không chỉ nổi lên như một quốc gia tận tâm thực hiện các cam kết hòa bình trên toàn thế giới, trong giai đoạn đại dịch, Việt Nam còn trở thành thị trường mới thu hút đầu tư hiệu quả trong nhiều lĩnh vực và là điểm đến an toàn, thú vị cho du khách quốc tế.

Hoàn thành tốt sứ mệnh quốc tế

Trong buổi làm việc với Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào tháng 3/2022 - Phó tổng thư ký LHQ Pierre Lacroix đánh giá cao sự tham gia và thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. Ngay cả giữa đại dịch với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn bảo đảm duy trì sự tham gia liên tục và hiệu quả cũng như bảo đảm công tác huấn luyện tiền triển khai, chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng tiếp ứng. 

Kể từ khi chính thức gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ vào năm 2014, Việt Nam đã triển khai thành công hơn 500 thành viên đến các phái bộ gìn giữ hòa bình và trụ sở của LHQ. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai ba khóa đào tạo về thiết bị kỹ thuật hạng nặng trong khuôn khổ chương trình hợp tác ba bên Việt Nam - LHQ - Nhật Bản. Đáng chú ý, Việt Nam luôn duy trì tỷ lệ nữ giới tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình cao hơn mức trung bình và định hướng trên 20% vào năm 2025. 

 

Một gia đình khách nước ngoài đến sân bay Tân Sơn Nhất chiều 30/8 - ẢNH: Q.THÁI
Một gia đình khách nước ngoài đến sân bay Tân Sơn Nhất chiều 30/8 - Ảnh: Q. Thái

Nhìn chung, Việt Nam chú trọng tham gia vào các lĩnh vực mà LHQ ưu tiên, khuyến khích như y tế, công binh hay chủ động đóng góp cho mục tiêu bình đẳng giới. Ngoài ra, các bệnh viện dã chiến của Việt Nam cũng hoạt động hiệu quả, là chỗ dựa tin cậy cho nhân viên LHQ và cả người dân bản địa.

Điểm đến của các nhà đầu tư

Về mặt kinh tế, sự phục hồi của Việt Nam đã tăng tốc trong sáu tháng đầu năm 2022. Tăng trưởng GDP của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo từ mức 2,6% năm 2021 lên 7,5% vào năm 2022, trong khi lạm phát được dự báo ở mức trung bình 3,8%/năm. Riêng những thách thức trong nước bao gồm tình trạng thiếu lao động, nguy cơ lạm phát và rủi ro khu vực tài chính gia tăng. 

Tháng 7 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã kỷ niệm 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao - một minh chứng cho việc cải thiện quan hệ kinh tế và song phương. Dải đất chữ S trở thành điểm đến sản xuất lý tưởng cho các doanh nghiệp Mỹ muốn tìm cách rời khỏi Trung Quốc sau chiến tranh thương mại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn do dịch bệnh. Trên thực tế, với vị thế địa chính trị tốt, mức lương không cao, lao động có tay nghề tăng, các hiệp định thương mại và kết nối khu vực, Việt Nam đã trở thành một trong những lựa chọn được ưa thích nhất đối với các nhà sản xuất quốc tế. 

Các công ty lớn của Mỹ như Apple, Intel, Qualcomm, Universal Alloy Corporation (UAC), Nike và Key Tronic EMS đã chuyển nhiều dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Công ty công nghiệp chính xác Luxshare (Trung Quốc) và nhà lắp ráp iPhone Đài Loan Foxconn đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch tại Việt Nam, theo sau sẽ là dòng sản phẩm máy tính xách tay Macbook. Nhà sản xuất phần mềm thiết kế chất bán dẫn của Mỹ Synopsys cũng tuyên bố chuyển đầu tư, tăng cường đào tạo kỹ sư tại Việt Nam. Ông Robert Li - Phó chủ tịch kinh doanh của Synopsys tại khu vực Đài Loan (Trung Quốc), Đông Nam Á và Ấn Độ - cho biết, Việt Nam có thể thăng hạng trong chuỗi giá trị bằng cách thiết kế mạch tích hợp cho các sản phẩm tiêu dùng như tủ lạnh và điều hòa không khí. 

Tập đoàn Lotte đang tìm cách mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, thị trường quan trọng thứ ba của họ sau quê hương Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong thập niên qua, Samsung và nhiều công ty đa quốc gia khác đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam. Xuất khẩu điện tử của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục 108 tỷ USD vào năm 2021, tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu, so với mức chưa đến 1 tỷ USD vào năm 2000. 

Ngành du lịch Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh và xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nhằm đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2022. Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy trong bảy tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phục vụ 954.600 lượt khách nước ngoài, tăng chín lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7, cả nước đón 352.600 lượt khách nước ngoài, tăng 49% so với tháng 6. 

Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vào giữa tháng Tám, 34 công ty du lịch của Việt Nam và Ấn Độ đã tổ chức thảo luận, trao đổi thông tin du lịch nhằm kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân quốc gia Nam Á này đến Việt Nam, đặc biệt là những cặp đôi muốn tổ chức đám cưới ở nước ngoài với giá cả phải chăng. 

Linh La (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI