Kể từ ngày 1/12, bộ phim tài liệu Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển do Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân sản xuất sẽ phát sóng rộng rãi trên hơn 50 kênh truyền hình cả nước, trên nền tảng YouTube của đơn vị sản xuất. Đây là tác phẩm được sản xuất hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa, đến từ chính những “người trong cuộc” như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một số đơn vị thành viên. Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển có được cái nhìn tổng quát và sâu sắc các vấn đề về biển, đảo Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại, hơn bất cứ phim tài liệu nào khác cùng chủ đề.
40 tập phim (25-30 phút/tập) chia làm 3 phần: Khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; Phát triển kinh tế biển; Đời sống văn hóa biển, đảo. Trong đó, phần 1 chiếm thời lượng nhiều nhất. Phim đem đến góc nhìn xuyên suốt về nhiệm vụ quan trọng này từ thời xa xưa cho đến hiện nay. Xem phim, khán giả sẽ thấy được những chứng cứ khẳng định chủ quyền biển đảo có từ thời Lý, Trần… đặc biệt dưới thời Nguyễn. Phim còn đề cập những phản ứng của Việt Nam, các chính sách ngoại giao, khẳng định chủ quyền bằng đối thoại, luật pháp…
Nội dung Đời sống văn hóa biển đảo giới thiệu sự phong phú của văn hóa biển đảo, từ những phong tục tập quán xa xưa, những di tích, truyền thống, cho đến những câu chuyện văn hóa liên quan đến biển đảo hiện tại. Phần cuối Phát triển kinh tế miền biển đề cập đến các nghề từ xa xưa, trong đó có đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Những vấn đề hiện tại cũng được nhắc đến như biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các ngành kinh tế biển như thế nào, các loại năng lượng mới, năng lượng tái tạo… cùng nhiều nội dung về kinh tế biển, quy hoạch, đặc biệt là du lịch. Phần phim này cũng tôn vinh vai trò quan trọng của ngư dân - những người có công không nhỏ trong công cuộc giữ gìn biển, đảo nước nhà.
Đoàn phim tác nghiệp ghi hình
3 năm cho 1 tình yêu
Phim tài liệu về biển, đảo không thiếu, nhưng Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển có sự kỳ công riêng để truyền đi thông điệp rất rõ: Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, thể chế chính trị nào, thì tinh thần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của người Việt vẫn luôn được phát huy cao độ.
Chia sẻ về ý tưởng và quá trình làm phim, nhà báo Lê Anh - Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân, tổng đạo diễn phim - cho biết: “Ý tưởng làm phim đã có từ lúc ê kíp thực hiện phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình, vì lúc đó đi 4-5 nước, chúng tôi đã tìm thấy nhiều tư liệu, tài liệu quý về việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, được các nước bạn lưu trữ khá cẩn thận. Một số tài liệu, tư liệu liên quan cũng được lưu giữ trong nước, tiêu biểu nhất là ngoài các châu bản, mộc bản Triều Nguyễn, còn có rất nhiều ghi chép, hình vẽ, bản đồ của các nhà truyền giáo, nhà buôn nước ngoài đến Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.
Năm 2019, chúng tôi bắt tay vào khâu kịch bản. Ban đầu chỉ định làm về nội dung chủ quyền biển, đảo, nhưng sau đó muốn phát triển thêm các nội dung liên quan để thành 1 sản phẩm tuyên truyền toàn diện, do đó đến năm nay mới hoàn thành. Có đến 4-5 ê kíp (5 người/ê kíp) cùng triển khai thực hiện để kịp tiến độ. Một trong những vấn đề quan trọng phim đề cập là những căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định và bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với biển, do đó phần 1 cũng là nội dung khó nhất. Yêu cầu đặt ra là phải thu thập một cách có hệ thống và chính xác tư liệu qua nhiều triều đại, giai đoạn, nhất là giai đoạn Việt Nam Cộng hòa. Hy vọng bộ phim sẽ là sản phẩm truyền thông có ý nghĩa sâu sắc, toàn diện về biển đảo Việt Nam”.
Được biết, trong quá trình tìm kiếm, đoàn phim đã góp nhặt nhiều tư liệu quý, trong đó có 1 bản đồ thời Nguyễn của Việt Nam do các nhà truyền giáo vẽ cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và gọi đơn giản là dải cát vàng. Điều này rất phù hợp với các bản đồ nhà Nguyễn vẽ sau này. Đáng chú ý là đoàn làm phim cũng đã ghi hình được trực tiếp tàu của Việt Nam bảo vệ giàn khoan, xa nhất là Hải Thạch trong 1 lần tranh chấp. Đây là điều hiếm hoi không dễ đoàn phim nào làm được. Những thước phim của Việt Nam - Tổ quốc nhìn từ biển càng ý nghĩa hơn khi ra mắt khán giả vào đúng dịp 40 năm ra đời Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc và 10 năm Luật Biển Việt Nam.