Việt Nam tiếp tục là cầu nối với ASEAN trong chính sách ngoại giao của Mỹ

27/11/2020 - 06:50

PNO - Dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhiều vấn đề xảy ra tại khu vực Đông Nam Á khi Mỹ tìm cách kìm hãm sự bành trướng từ Trung Quốc. Các chuyên gia dự báo, xu hướng này sẽ không thay đổi trong nhiệm kỳ của tổng thống đắc cử Joe Biden, và Việt Nam sẽ là trung tâm cho những chính sách mới.

 

Ông Joe Biden (phải) đề cử Antony Blinken - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ  dưới thời Tổng thống Obama (trái) - làm ngoại trưởng trong nội các của mình
Ông Joe Biden (phải) đề cử Antony Blinken - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Obama (trái) - làm ngoại trưởng trong nội các của mình

Một ASEAN trung lập và ổn định

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi đáng kể dưới thời Tổng thống Donald Trump. Căng thẳng đặc biệt xuất hiện ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ tăng cường hoạt động quân sự và hiện diện hải quân ở Biển Đông nhằm chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với tài nguyên và lãnh thổ quanh khu vực.

Sự gia tăng cạnh tranh an ninh này khiến nhiều quốc gia trong khu vực e dè, thể hiện vào tháng 8/2020 dưới dạng một tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập khối. Theo đó, ASEAN cần duy trì hòa bình và ổn định trong bối cảnh “những bất ổn ngày càng gia tăng”, đồng thời ASEAN kêu gọi “tất cả các nước hãy tự kiềm chế” và nhắc lại cam kết trong việc “duy trì Đông Nam Á như một khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định”.

Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa” của chính quyền Trump trực tiếp thách thức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Hai thành phần chính của chính sách này bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự hiện diện quyết đoán hơn của Mỹ ở Biển Đông. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát vào tháng 6/2020 do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng hơn Mỹ ở khu vực.

Mặt khác, mối quan hệ thân thiết của Trung Quốc với các quốc gia ASEAN như Campuchia và Lào cũng là rào cản cho khả năng đồng thuận của ASEAN về một chính sách thống nhất nhằm giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Việt Nam sẽ là cầu nối để Mỹ xoay trục 

Mặc dù ông Biden sẽ có nhiều nội dung nghị sự trong nước cần giải quyết nhưng lập trường cứng rắn về mối quan hệ Mỹ - Trung dự kiến khó thay đổi. Thông qua chuyến thăm Hà Nội gần đây của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, cùng với việc chỉ định Antony Blinken làm ngoại trưởng trong chính quyền mới, Nhà Trắng gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc và ASEAN về cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Trước tình hình đó, những dấu hiệu tích cực về quan hệ Việt - Mỹ nhân dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước khiến các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam đang là quốc gia thân thiện nhất với Mỹ trong toàn khối ASEAN. Quan hệ song phương không ngừng tiến lên và Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Ngay giữa cuộc khủng hoảng COVID-19, thương mại hai chiều vẫn tăng 26 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020.

Ông Blinken - cựu thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama - trước đây đã nói về Việt Nam: “Sự chuyển đổi của Việt Nam, giống như của rất nhiều quốc gia, đã được hỗ trợ và thậm chí được thúc đẩy bởi một trật tự quốc tế dựa trên quy tắc dành riêng cho sự tiến bộ của mọi quốc gia”.

Do đó, các chuyên gia chính sách như Kent Calder - Giám đốc Trung tâm Reischauer về nghiên cứu Đông Á tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) - tin rằng Nhà Trắng dưới thời ông Biden sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. 

Tấn Vĩ (theo The Diplomat, Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI