"Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ"

15/10/2013 - 11:39

PNO - Trong các ngày 11, 14 và 16/10, Ủy ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân đạo của Liên hợp quốc đã tổ chức các phiên thảo luận Đề mục “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” trong khuôn khổ Khóa họp 68 Đại Hội đồng Liên...

edf40wrjww2tblPage:Content


Phụ nữ nông thôn làm kinh tế giỏi. (Ảnh: Thái Bình/TTXVN)

Tham dự các phiên thảo luận có bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN-Women), và bà Nicole Amelia, Chủ tịch Ủy ban Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), cùng đông đảo các đại diện của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Đề mục “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” luôn là một trong những đề mục quan trọng nhất trong các khóa họp của Ủy ban về các vấn đề văn hóa, xã hội và nhân đạo của Liên hợp quốc. Vì vậy, phát biểu tại các phiên thảo luận trên, Giám đốc điều hành UN-Women và Chủ tịch Ủy ban CEDAW đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của phụ nữ trong các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, các diễn giả đều lưu ý một thực tế là tại nhiều nơi, phụ nữ vẫn bị đối xử bất bình đẳng trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị, do đó vấn đề thúc đẩy và trao quyền cho phụ nữ cần được xây dựng thành một mục tiêu riêng và phải được lồng ghép vào các mục tiêu và chỉ số khác của Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Trong khi đó, đại diện của nhiều nước cho rằng phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt những người sinh sống ở nông thôn, là đối tượng phải gánh chịu nhiều nhất những tác động tiêu cực của xung đột, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu..., và họ cũng là những đối tượng dễ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục, buôn người...

Các đại biểu nhấn mạnh giáo dục và y tế là những yếu tố vô cùng quan trọng trong nâng cao vị thế của phụ nữ, và đề nghị các chính phủ cần tăng ngân sách dành cho các chương trình, dự án có liên quan nhằm nâng cao năng lực kinh tế, giáo dục, y tế cho phụ nữ. Ngoài ra, các quốc gia cần có những biện pháp thật cụ thể, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị, xã hội và trong quá trình đưa ra quyết định ở các cấp.

Đại diện nhiều quốc gia đã nhắc lại yêu cầu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong Tuyên bố và Chương trình Hành động Bắc Kinh về phụ nữ năm 1995 cũng như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận, nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị quốc gia, coi đây là sự cần thiết cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).

Đại sứ cho rằng để giúp phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực, cần có biện pháp toàn diện với sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội và cộng đồng quốc tế.

Đại sứ Lê Hoài Trung đã nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy và bảo vệ đầy đủ các quyền của phụ nữ thể hiện qua nhiều chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của đất nước. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu liên quan tới việc nâng cao vị thế của phụ nữ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ông cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 48 trên thế giới về chỉ số bình đẳng giới, và là một trong 5 nước đang phát triển có số đại biểu quốc hội nữ cao nhất của ASEAN.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Lê Hoài Trung, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc thiếu cán bộ làm việc trong lĩnh vực bình đẳng giới ở các cấp, số đại biểu nữ trong quốc hội và giữ các chức vụ cao còn thấp, bất bình đẳng trong trả lương giữa nam và nữ vẫn tồn tại.

Đại sứ đã khẳng định cam kết của Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước và cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện Tuyên bố và Chương trình Hành động Bắc Kinh năm 1995 về phụ nữ./.

Theo TTXVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI