Việt Nam tạo dấu ấn riêng qua thử thách mang tên COVID-19

29/04/2020 - 07:16

PNO - Nhiều hãng tin và tờ báo nổi tiếng cho rằng, công tác chống dịch của Việt Nam đạt hiệu quả cao nhờ hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn vi-rút.

Trong bốn tháng qua, với vai trò kép là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), giữa những khó khăn từ đại dịch COVID-19, Việt Nam đã khẳng định khả năng của mình cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Thành công trong công tác ứng phó COVID-19

Hôm 21/4, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Takeshi Kasai - nhận định trong một cuộc họp báo rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia đang dẫn đầu thế giới về hiệu quả kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nhờ sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ cùng tinh thần đoàn kết, hợp tác của người dân. Ông Takeshi Kasai nhấn mạnh, điều quan trọng là Việt Nam đã luôn học hỏi và cập nhật kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo từng diễn biến mới, không chỉ xét nghiệm chính xác mà còn làm tốt việc truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh. 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thượng đỉnh ASEAN từ xa thông qua internet về dịch bệnh COVID-19 hôm 14/4 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thượng đỉnh ASEAN từ xa thông qua internet về dịch bệnh COVID-19 hôm 14/4 - Ảnh: Reuters

Bà Amy Searight - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS (Mỹ) - nhận định, Việt Nam sớm thực hiện các biện pháp ứng phó ban đầu ngay khi dịch bệnh bùng phát và duy trì tốt khả năng kiểm soát. Là một nước có đường biên giới chung với Trung Quốc - quốc gia có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên - ngay từ cuối tháng 1/2020, Chính phủ Việt Nam đã "tuyên chiến" với dịch bệnh. Tờ Financial Times viết: “Khi hầu hết người dân Việt Nam còn đang ăn tết Nguyên đán thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về vi-rút corona” và nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”. 

Nhiều hãng tin và tờ báo nổi tiếng như Reuters (Anh - Mỹ), Conversation (Úc), Deutsche Welle (Đức) cho rằng, công tác chống dịch của Việt Nam đạt hiệu quả cao nhờ hàng loạt biện pháp nhằm ngăn chặn vi-rút lây lan, bao gồm cả đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, đóng cửa trường học, thực hiện biện pháp cách ly kiểm dịch 21 ngày tại ổ dịch ở tỉnh Vĩnh Phúc - nơi có nhiều người lao động trở về từ tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc), thường xuyên cập nhật tin tức và tuyên truyền kiến thức về căn bệnh mới nguy hiểm cho người dân. 

Tờ New York Times (Mỹ) khen ngợi động thái đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu tại Việt Nam từ giữa tháng Ba; còn hãng tin Sputnik (Nga) nhận xét, việc Việt Nam công bố dịch toàn quốc khi số ca nhiễm vi-rút mới vượt mốc 200 người và tiến hành giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 1/4 là "hành động đúng thời điểm, cần thiết" nhằm sớm khống chế dịch. 

Dẫn dắt ASEAN trong đại dịch

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh đã thay đổi hoàn toàn các kế hoạch ngoại giao của Việt Nam thì Hà Nội đã biến thành công trong việc chống lại đại dịch thành điểm tựa ngoại giao vững chắc.

Giữa lúc COVID-19 tiếp tục lan rộng, đe dọa các nền kinh tế ASEAN, ngày 20/2, Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) cùng với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã gặp mặt trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về COVID-19 tại Lào để thảo luận biện pháp ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh. Khi đại dịch leo thang vào đầu tháng Ba, Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 phải hoãn lại, Việt Nam vẫn tìm ra phương án mới nhằm đảm bảo vai trò ngoại giao của mình. 
Ngày 31/3, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã chủ trì buổi hội thảo từ xa đầu tiên của Hội đồng Điều phối ASEAN về các trường hợp khẩn cấp y tế công cộng. Theo sau đó là cuộc hội thảo giữa các quan chức cấp cao của ASEAN và Mỹ, có sự tham dự của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho Cục Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - David Stilwell - vào ngày 1/4. Cả hai cuộc họp nhằm thúc đẩy hợp tác trong cộng đồng ASEAN, cũng như giữa ASEAN và Mỹ để đối phó với đại dịch COVID-19 bằng cách chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phù hợp ở mỗi quốc gia, đồng thời khẳng định cam kết tăng cường hợp tác. 

Sau các cuộc họp này, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị ACC lần thứ 25 vào ngày 9/4 và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN Plus (APT) vào ngày 14/4, trong đó, các thành viên ASEAN và ba đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đồng ý về nguyên tắc thành lập một quỹ chung chống lại đại dịch.

Ở phương diện song phương, Việt Nam đã tặng bộ dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang cho nhiều quốc gia như Campuchia, Lào, Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, cũng như hỗ trợ thực hiện các đơn đặt hàng vật tư y tế cần thiết cho Mỹ. Từ việc hỗ trợ những quốc gia khác, Việt Nam đã thể hiện cam kết đối với các mối quan hệ truyền thống và những đối tác quan trọng. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI