Việt Nam tăng lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao cho xuất khẩu

04/04/2025 - 17:45

PNO - Thông tin được ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ tại hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” do VFA phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 4/4.

Các diễn giả tham dự hội nghị... Ảnh CTV
Các diễn giả tham dự hội nghị - Ảnh: CTV

Cụ thể, theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam đang nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, tăng tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản.

Năm 2025, tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản tăng lên khoảng 40%. Đến năm 2030, tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10%; tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.

Ngành lúa gạo sẽ tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo từ sản xuất đến tiêu thụ và xuất khẩu, nhằm tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp.

Để phục vụ mục tiêu trên, VFA kiến nghị các bộ, ngành thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao và tăng cường xúc tiến thương mại. Ngân hàng Nhà nước xem xét các chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo. Bộ Công Thương tăng cường thông tin về xuất khẩu, điều chỉnh quản lý xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường và đàm phán mở cửa thị trường. Các tỉnh ĐBSCL quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu, thu hút đầu tư vào chế biến lúa gạo.

ngành lúa gạo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới.
Ngành lúa gạo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới - Ảnh: CTV

Theo đại diện VFA, xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển mạnh mẽ, từ mức 6 triệu tấn ở các năm trước lên 7,5 triệu tấn năm 2022 và vượt lên 9,1 triệu tấn năm 2024, giá trị hơn 5,7 tỉ USD. Các doanh nghiệp trong nước còn nhập khẩu lúa từ Campuchia với khoảng 3 triệu tấn năm 2023 và 3,8 triệu tấn năm 2024.

Trong quý 1/2025, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu 2,25 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Dù gặp khó khăn ở thị trường Indonesia, nhưng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh các thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi… nhờ sự khác biệt về chất lượng và giá cả so với các quốc gia xuất khẩu khác.

Các doanh nghiệp nước ta đã thay đổi trong tập quán sản xuất, nghiên cứu thị trường; thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam ngày càng đa dạng, trải khắp châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương. Trong đó, châu Á là thị trường lớn với 72% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Nông dân Hậu Giang tham qua cánh đồng lúa giảm phát thải. Ảnh CTV
Nông dân Hậu Giang tham quan cánh đồng lúa giảm phát thải - Ảnh: CTV

Ông Lê Thanh Tùng - Phó chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam - cho hay, "đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đang cho hiệu quả bước đầu với nhiều lợi ích vượt trội như giảm lượng giống gieo sạ 50%; giảm lượng phân bón đạm và thuốc bảo vệ thực 30%; giảm đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%; giảm phát thải khí nhà kính trung bình 5 tấn carbon/ha/vụ. Tăng lợi nhuận cho nông dân khoảng 5 triệu đồng/ha/vụ.

Tuy nhiên, để đảm bảo thành công đề án, việc tăng cường liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo là vô cùng quan trọng. Trong đó, hỗ trợ nâng cao năng lực làm dịch vụ và liên kết của nông dân và hợp tác xã; nâng cao chất lượng hợp tác xã để làm đầu mối kết nối nông dân và doanh nghiệp nhằm liên kết để phát triển bền vững.

Văn Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI