Những bước khởi đầu
Bên cạnh thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước, để đảm bảo bao phủ vắc xin trong cộng đồng, thời gian qua, Bộ Y tế đã yêu cầu khẩn trương đàm phán để được chuyển giao công nghệ vắc xin COVID-19.Hiện Công ty TNHH một thành viên vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghê sản xuất vắc xin cho Việt Nam.
Vabiotech cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam ký thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin phòng COVID-19 Sputnik-V bán thành phẩm. Theo đó, quá trình sản xuất sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 7/2021 với quy mô 5 triệu liều/tháng.
Chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vabiotech - cho hay để gia công đóng gói vắc xin Sputnik-V, công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao, gồm yêu cầu của đối tác và sự kiểm tra chất lượng của cơ quan quản lý Nga.
|
Năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam được thế giới đánh giá cao, là nền tảng để kỳ vọng vào việc chuyển giao công nghệ thành công, đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng COVID-19 trong nước - Ảnh: P. LÊ |
Theo Bộ Y tế, đây là bước đi đầu tiên của Vabiotech trong nỗ lực tiến tới tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. Công ty này cũng đã lên phương án mở riêng một nhà máy để đóng ống và sản xuất vắc xin với quy mô 100 triệu liều/năm. “Dù vậy, để đối tác chấp thuận chuyển giao công nghệ là cả chặng đường dài, không hề đơn giản” - ông Đỗ Tuấn Đạt dè dặt.
Ngoài Vabiotech, một tập đoàn lớn khác của Việt Nam cũng đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất Mỹ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 từ tinh chất mRNA. vắc xin này chỉ cần tiêm một liều duy nhất 5mg, có khả năng bảo vệ cao, dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng hai giai đoạn đầu. Doanh nghiệp này cũng cho hay sẽ đầu tư nhà máy theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất với công suất 100-200 triệu liều/ năm, dự kiến bắt đầu sản xuất từ quý IV/2021 hoặc quý I/2022.
Tính tới nay, Việt Nam đã đặt được 170 triệu liều vắc xin COVID-19 từ nhiều hãng trên thế giới nhưng đều phải chấp nhận điều kiện có thể giao hàng không đúng thời hạn. Trong khi đó, tỷ lệ người dân trong nước được tiêm vắc xin COVID-19 còn quá “khiêm tốn” với tổng số 1,5 triệu liều đã triển khai.
Do đó, theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - việc thúc đẩy đầu tư sản xuất, chuyển giao công nghệ là hết sức cần thiết: “Nếu nhận chuyển giao công nghệ, Việt Nam có thể chủ động sản xuất vắc xin phục vụ nhu cầu trong nước cũng như cung cấp cho thế giới, tiến tới tiêm bao phủ vắc xin toàn dân, giúp ổn định đời sống kinh tế, xã hội”.
Đôi bên cùng có lợi
Để đi tới đàm phán thành công việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19, cần nhiều yếu tố, nhưng theo phó giáo sư Trần Đắc Phu, điều này hoàn toàn khả thi: “Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có năng lực sản xuất vắc xin. Chúng ta đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về quản lý vắc xin (NRA).
Do đó, nhiều khả năng Việt Nam sẽ được nhiều đơn vị lựa chọn và trở thành địa điểm chuyển giao công nghệ”. Ông cũng đánh giá cao năng lực của Vabiotech và khả năng đơn vị này có thể đạt được mục tiêu sản xuất vắc xin COVID-19 bằng hình thức nhận chuyển giao công nghệ: “Vabiotech là đơn vị sản xuất vắc xin có uy tín của Việt Nam, cung cấp nhiều loại vắc xin như viêm não, viêm gan siêu vi B và một số vắc xin khác. Đây là một thuận lợi lớn”.
Trong buổi làm việc trực tuyến với Tập đoàn Johnson & Johnson mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề cập tới vấn đề chuyển giao công nghệ trong sản xuất vắc xin với đơn vị này. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là một trong hơn 40 quốc gia có thể sản xuất được vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân, kinh nghiệm sản xuất vắc xin của Việt Nam được đảm bảo. Ông cho hay, rất nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam muốn tham gia chuỗi cung ứng vắc xin toàn cầu. Trước đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, phía Johnson & Johnson cho biết sẽ nghiên cứu, đánh giá và cam kết sẽ nỗ lực triển khai các giải pháp để Việt Nam có vắc xin của hãng này.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin. Do đó, theo ông Trần Đắc Phu, về mặt cơ chế, Việt Nam có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới cùng hợp tác. Ông nhấn mạnh, khi chuyển giao công nghệ, không chỉ riêng Việt Nam mà cả hai phía sẽ cùng hưởng lợi. Trong bối cảnh thế giới “khát” vắc xin COVID-19, các nhà sản xuất cần mở rộng, nâng cao năng suất của mình; trong khi đó, ngoài năng lực sản xuất, Việt Nam còn có nhiều lợi thế về chi phí sản xuất, nhân công...
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thu Vân - Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin - lưu ý cần chuẩn bị tiềm lực kinh tế để không gặp khó về vốn đầu tư. Hầu hết các loại vắc xin ở Việt Nam được chuyển giao công nghệ theo hai hình thức.
Thứ nhất, hình thức một phần, tức cử cán bộ tới nhà sản xuất để học rồi sau đó tự nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước; thứ hai, toàn phần, tức nhà sản xuất giúp đào tạo nhân lực, hỗ trợ xây nhà xưởng, lắp đặt vận hành dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu… cho Việt Nam. “Có thể hình thức khác nhau nhưng nhìn chung, năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ của đội ngũ cán bộ trong nước là tốt. Khó khăn lớn nhất có lẽ là vấn đề kinh phí” - bà Thu Vân phân tích.
Cụ thể, bà Nguyễn Thu Vân cho rằng, chi phí đầu tư công nghệ mới sản xuất vắc xin COVID-19 sẽ nặng ở chi phí đầu tư ban đầu, còn trong quá trình sản xuất, hiện một số nước như Mỹ đang dùng công nghệ từ tinh chất mRNA có chi phí rẻ, quy trình nhanh và năng suất cao hơn so với thông thường.
Dồn lực cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử
Chiều ngày 15/6, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế - đã chủ trì cuộc họp triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng nước ta. Gần đây nhất, Việt Nam đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng 23 triệu liều vắc xin ngừa sởi - rubella cho trẻ em. Để đạt sự miễn dịch cộng đồng, cần tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 70 - 80% dân số, tức cần khoảng 150 triệu liều vắc xin. Do đó, chiến dịch này cần sự tham gia của các bộ, ngành.
Trước mắt, Việt Nam sẽ thiết lập tám kho bảo quản, gồm một kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và bảy kho tại bảy quân khu trong toàn quốc. Ngay sau khi về sân bay, vắc xin sẽ được vận chuyển đến các kho này bảo quản. Các kho đều phải đạt tiêu chuẩn thực hành bảo quản tốt (GSP). Từ kho, các xe lạnh sẽ vận chuyển vắc xin tỏa đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.
Theo Bộ Y tế, một trong những điểm mới của chiến dịch tiêm chủng vắc xin này là việc ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, nên việc đăng ký tiêm chủng qua phần mềm ứng dụng (app) và qua tin nhắn phải được đẩy nhanh. Mỗi người dân sẽ nhận được tin nhắn mời đăng ký tiêm; các thông tin phản hồi sẽ được thể hiện trên hệ thống điều hành tiêm chủng online, từ đó, người dân sẽ biết được địa điểm, thời gian tiêm chủng. Khi đến cơ sở y tế để khám sàng lọc, mọi thông tin cũng được lưu lại, giúp quản lý hồ sơ “hộ chiếu vắc xin” dễ dàng.
Với những người không dùng điện thoại thông minh, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh quan điểm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”. Do đó, ngoài việc tiếp tục tăng cường tập huấn, xử lý các tình huống đối với nhân viên y tế, ông đề nghị Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng Quốc gia phải làm việc trực tuyến 24/7, sẵn sàng chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn.
|
Minh Quang