Việt Nam sẽ có trung tâm xạ trị ung thư hiện đại nhất Đông Nam Á?

18/12/2017 - 14:44

PNO - Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội cho biết đang trình Đề án để xây dựng trung tâm xạ trị proton và hạt nặng đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả Đông Nam Á.

Thông tin này vừa được PGS.TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K tiết lộ tại hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư” được Bệnh viện K tổ chức ngày 18/12.

Viet Nam se co trung tam xa tri ung thu hien dai nhat Dong Nam A?
 

Trong các phương pháp chữa trị bằng hình thức xạ trị thì kỹ thuật xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư là phương pháp tiến tiến và hiện đại đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Tại châu Á, gần đây nhất có Hàn Quốc, Nhật Bản đã áp dụng. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, hiện chưa có nước nào được trang bị và áp dụng phương pháp xạ trị tiên tiến này.

Đây là phương pháp mới, cho phép xạ trị với những khối u kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc… Bên cạnh đó, thời gian xạ trị ngắn hơn. Cụ thể, với một khối u ở phổi, xạ trị thông thường phải mất 4-5 tuần thì với phương pháp mới, chỉ một lần (khoảng 10 phút) là tan.

Viet Nam se co trung tam xa tri ung thu hien dai nhat Dong Nam A?
Giám đốc BV K cho biết đang làm đề án để thành lập trung tâm điều trị ung thư bằng phương pháp hiện đại, chưa được áp dụng tại các quốc gia của Đông Nam Á.

Qua nhiều nghiên cứu, ứng dụng lâm sàng, tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm rất khả quan. Thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư nhờ điều trị bằng phương pháp này cũng được kéo dài.

Cụ thể, tỷ lệ sống thêm sau 3 năm của ung thư phổi giai đoạn I và II là 86%; ung thư gan 72%; sống thêm sau 2 năm của ung thư tụy 36%; sống thêm trung bình sau 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến đến 99%; ung thư trực tràng 53%; ung thư đầu cổ 74%.

PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, hiện Bệnh viện K đang làm đề án trình Bộ Y tế, trình Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K; tuy nhiên, cản trở lớn nhất trong thực hiện là chi phí. 

Theo tính toán, nếu làm cả 2 hệ thống, chi phí vào khoảng 150 triệu đô la. Do đó, đề án cũng trình nhiều phương án đầu tư xây dựng, trong có có phương án Nhà nước cấp kinh phí hoặc xã hội hoá, mời nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ở nước ngoài, mỗi một ca xạ trị bằng phương pháp này có chi phí từ 20.000 - 30.000 đôla Mỹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các chuyên gia sẽ phải tính toán kỹ. PGS.TS Trần Văn Thuấn cũng bày tỏ mong muốn bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí để thêm nhiều người bệnh ung thư được thụ hưởng phương pháp điều trị tiên tiến này.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI