Việt Nam sắp nhận thêm hơn 1 triệu liều vắc xin COVID-19

15/06/2021 - 10:53

PNO - Cuối tháng 6, đầu tháng 7, dự kiến có hơn 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ tổ chức COVAX Facility sẽ về Việt Nam.

 

Vắc xin
Việt Nam sắp nhận thêm hơn 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ COVAX Facility

Sáng 15/6, tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ của Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, Việt Nam có thể nhận thêm hơn một triệu vắc xin từ COVAX Facility.

Trong quý III năm nay, dự kiến, lượng vắc xin COVID-19 sẽ tiếp tục về nhiều hơn. Cụ thể, Công ty VNVC có thể nhập được 2 triệu liều vắc xin AstraZeneca, ngoài ra cũng có thêm 3 triệu liều của Pfizer. Số vắc xin còn lại sẽ về trong quý IV. Tuy nhiên, Viện trưởng Đặng Đức Anh lưu ý, thời gian vắc xin chuyển về Việt Nam có thể thay đổi theo tình hình chung bởi các nhà sản xuất cung cấp vắc xin trên toàn thế giới.

Đến nay, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam nhận được gần 3 triệu liều vắc xin để tiêm chủng, bao gồm 811.200 liều vào ngày 1/4 và 1.682.400 liều vào ngày 16/5. Ngoài ra, còn có hơn 400.000 liều vắc xin AstraZeneca khác nằm trong số Việt Nam đã đặt mua trực tiếp 30 triệu liều từ AstraZeneca, thông qua Công ty VNVC. Trong khi đó, tính tới sáng nay, tổng số liều vắc xin đã tiêm là 1.552.651.

Ông Đặng Đức Anh chia sẻ, tiêm vắc xin COVID-19 với độ bao phủ lên tới 70-80% dân số là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay. Ông khẳng định, việc tiêm chủng đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6.

Liên quan tới thông tin 53 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM mắc COVID-19, dù đã tiêm vắc xin; ông Đức Anh lý giải, hiện nay không có một loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh. 

"Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc xin rồi sau đó bị bệnh do vắc xin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên nếu bị mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề", ông Đức Anh nói.

Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70-85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh. Đối với vắc xin AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm 1 liều vắc xin từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Sau khi tiêm 2 mũi vắc xin, số trường hợp tử vong giảm đến gần 100%.

"Điều này cho thấy tiêm chủng vắc xin là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra", Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh nhấn mạnh đồng thời cũng khuyến cáo, sau khi tiêm chủng vắc xin, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

H.Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI