Việt Nam phải khẳng định chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa

02/07/2014 - 12:13

PNO - PN - Đó là khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội sáng 1/7. Thông điệp mạnh mẽ của Tổng bí thư được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) vẫn rất hung...

edf40wrjww2tblPage:Content

Viet Nam phai khang dinh chu quyen de lay lai Hoang Sa

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải khẳng định chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa - Ảnh: Đ.Loan

Kiềm chế và kiên quyết

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “đấu tranh với TQ là việc lâu dài, chúng ta làm sao phải khẳng định được chủ quyền để lấy lại Hoàng Sa. Có người hỏi nhỡ xảy ra chiến tranh thì sao? Chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng. Nhưng chúng ta mong chiến tranh không xảy ra và cố gắng làm cho nó đừng xảy ra”. Tổng bí thư khẳng định chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, sử dụng tất cả biện pháp, kể cả đấu tranh pháp lý.

Cùng ngày, khi đến thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Kiểm ngư Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, chúng ta kiềm chế, không phải là nhu nhược, yếu hèn. Điều quan trọng là tập trung tuyên truyền cho phía TQ hiểu rõ các hành vi sai trái họ đã gây ra; đồng thời làm sáng tỏ chính nghĩa, tinh thần khoan dung hòa hiếu của người VN, có như vậy công tác đấu tranh trên biển mới mang lại kết quả.

Trước đó một ngày, phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ tháng 6/2014 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: nhiệm vụ đặt ra là vừa nỗ lực cao nhất bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, vừa gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trật tự để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đại diện Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, vị trí của giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) vẫn không thay đổi. Theo quan sát của lực lượng kiểm ngư, TQ vẫn duy trì khoảng 114-120 tàu các loại xung quanh khu vực giàn khoan, trong đó có 46-48 tàu hải cảnh, 13-15 tàu vận tải, 16-18 tàu kéo, 34 tàu cá và 5 tàu quân sự.

Khi các tàu của ta tiếp cận cách giàn khoan 10-10,5 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật thì các tàu của TQ đồng loạt tăng tốc độ, áp sát, ngăn cản không cho phía VN tiến đến gần giàn khoan, nhưng các tàu kiểm ngư của ta đã vòng tránh an toàn và kiên trì bám trụ để thực thi pháp luật.

Ngang ngược hơn, vừa qua TQ đưa trái phép toàn bộ Biển Đông vào khu vực cảnh báo bão. Trước đó, khu vực cảnh báo bão 24 giờ của nước này chỉ bao gồm khu vực phía Bắc Biển Đông.

Cộng đồng quốc tế lên án TQ

Thái độ ngang ngược của TQ tiếp tục bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ. Bangkok Post, nhật báo tiếng Anh hàng đầu của Thái Lan vừa có bài xã luận chỉ trích gay gắt chính sách và hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Với tiêu đề “TQ cần đàm phán”, tờ báo viết: “Những bất đồng giữa TQ và một số thành viên của ASEAN tiếp tục kéo dài dai dẳng. Suốt mấy tháng qua, Bắc Kinh cố tình làm dấy lên tranh chấp, đặc biệt là với VN. Công cụ chính để thúc đẩy việc này là một giàn khoan. Một giàn khoan có vẻ như một công cụ kỳ lạ của một nền ngoại giao ngang ngược trên đại dương, nhưng TQ đang sử dụng vũ khí đặc biệt này để nhắm đến mục tiêu của mình và đối đầu với những ai phản đối việc này”.

Cùng với việc đưa thêm bốn giàn khoan mới vào khu vực Biển Đông, Tổng công ty dầu khí hải dương TQ (CNOOC) ra thông báo mở ngay bốn điểm thăm dò mới ở khu vực phía Tây và phía Đông Biển Đông, kéo theo sự hiện diện quân sự của hải quân TQ và các tàu cảnh sát biển để đảm bảo sự an toàn của các giàn khoan.

Tạp chí The National Interest của Mỹ cũng phê phán hành động của TQ ở Biển Đông qua bài viết của hai chuyên gia người Mỹ về các vấn đề an ninh châu Á, ông Abe Denmark và ông Dan Blumenthal. Hai học giả đều nhấn mạnh khả năng bảo đảm và răn đe trong khu vực để ngăn chặn xung đột. Ông Blumenthal đánh giá, Biển Đông là lợi ích quốc gia cốt lõi của Hoa Kỳ và Washington phải từ bỏ thái độ trung lập về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này. Trong khi đó, ông Denmark nhận định, trọng tài quốc tế là phương tiện hợp pháp duy nhất giải quyết các tranh chấp.

Tạp chí Diplomat vừa có bài phân tích về tình hình Biển Đông và đặt vấn đề một nước như Indonesia sẽ bảo vệ lợi ích hàng hải của mình thế nào. Bài báo nêu rõ, yêu sách gần đây nhất của Bắc Kinh đòi quyền đánh bắt cá trên hầu hết khu vực Biển Đông khiến cho các quốc gia khác trong khu vực có thêm cơ sở để lo ngại về khả năng TQ sớm lập ra Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Theo bài báo, Indonesia có thể bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông với sự trợ giúp của một đối tác đồng thời là đồng minh quan trọng.

THANH HẢI (Theo Bangkok Post, National Interest, Diplomat, TTXVN, Chinhphu.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI