Việt Nam ở đâu trên bản đồ công nghiệp bán dẫn?

07/06/2024 - 06:33

PNO - Ở phiên chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sáng 6/6 trong khuôn khổ kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, các đại biểu quan tâm nhiều đến câu hỏi: Việt Nam ở đâu trên bản đồ công nghiệp bán dẫn - được dự báo là ngành công nghiệp trị giá ngàn tỉ USD vào năm 2030.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho rằng, nhiều quốc gia tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn và có sự phát triển vượt bậc. Bà đặt câu hỏi: “Phó thủ tướng đánh giá như thế nào về cơ hội tham gia của Việt Nam vào ngành công nghiệp hấp dẫn này? Việt Nam cần có những giải pháp gì để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn?”.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy ngành này trước những cơ hội hiện có. Ông đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế, cơ hội để tham gia sâu vào lĩnh vực này, như kinh tế số phát triển nhanh, nguồn nhân lực có nhiều mặt mạnh như kỹ thuật khéo léo, nhiều người đam mê toán học. Đặc biệt, ngành giáo dục Việt Nam đã quan tâm tới giảng dạy, đào tạo toàn diện ngay trong trường đại học, từ công nghệ thông tin đến vật lý, vật liệu.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 6/6
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 6/6

Theo ông, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, có rất nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ cao đã đầu tư ở Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phát triển rất mạnh về kinh doanh số. Đây cũng là nền tảng để phát huy năng lực trong lĩnh vực mới này.

Ông cho rằng, Việt Nam cần tham gia vào các chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn; chú trọng công tác đào tạo, trong đó đào tạo ngay những kỹ sư đã có kiến thức nền tảng để tham gia ngay vào chuỗi, đặc biệt là nhóm lĩnh vực thiết kế, đóng gói. Về lâu dài, Việt Nam sẽ lựa chọn các trường đại học có tiềm năng, thế mạnh để xây dựng thành trung tâm chip bán dẫn tại Việt Nam, đầu tư lớn vào các trung tâm này để tham gia sâu hơn vào chuỗi. “Chúng ta phải có nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu sâu để tự mình làm chủ công nghệ” - ông nói.

Ông lưu ý, ngoài nguồn nhân lực trong nước, Việt Nam cũng cần thu hút được sự tham gia của lực lượng lao động ở nước ngoài bằng các chính sách hấp dẫn, thu hút được các doanh nghiệp liên quan đến điện tử, sử dụng chip điện tử bán dẫn đầu tư vào Việt Nam để tạo môi trường phát triển.

Phát biểu tranh luận với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, sau các đợt dịch COVID-19 và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, chuỗi cung ứng chip toàn cầu bị đứt gãy, gián đoạn. Đó là cơ hội tốt cho Việt Nam. Nhưng có vẻ như đến nay, mọi thứ liên quan đến chip vẫn chỉ được đề cập ở dạng tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trong đó có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực. Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư 45,7 tỉ USD, Hàn Quốc đầu tư hơn 7 tỉ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển. Ông đặt câu hỏi: “Làm sao để tận dụng sớm nhất cơ hội, biến tiềm năng thành lợi thế? Có chính sách nào để khơi dậy nguồn lực tiềm năng nội tại của đất nước?”.

Trả lời những băn khoăn này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tái khẳng định, sản xuất, chế tạo được các sản phẩm của công nghiệp bán dẫn là vấn đề dài lâu, cần có sự nghiên cứu bài bản. Trước mắt, Việt Nam phải nắm lợi thế khi một số nước làm chủ công nghệ bán dẫn chuyển giao một phần công nghệ. Để tham gia sâu hơn, Việt Nam sẽ đầu tư các trung tâm nghiên cứu khoa học. Ông cho hay, kinh phí để đầu tư vào lĩnh vực này khá lớn, nhất là đầu tư sản xuất thử, ước tính có thể cần tới 7 tỉ USD.

“Để phát triển công nghiệp bán dẫn, cần có sự tham gia của Nhà nước, nhưng quan trọng nhất vẫn là khối doanh nghiệp. Họ bám sát nhu cầu của thị trường, nắm rõ cung cầu để đầu tư. Đây không đơn giản chỉ là sản xuất được chip bán dẫn mà còn phải tính tới giá cả, sức cạnh tranh trên thị trường” - Phó thủ tướng nói.

Tăng trưởng kinh tế đi đôi với chống lạm phát

Cũng trong phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn, nhất là khi triển khai đợt tăng lương từ ngày 1/7 tới. Bà đề nghị Chính phủ thông tin về công tác điều hành giá để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là mối quan tâm xác đáng bởi lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Việt Nam có nền kinh tế mở, nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, phụ liệu nên phụ thuộc vào thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ đang thực hiện các gói kích cầu tiêu dùng và thực hiện chính sách tăng lương. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong việc sản xuất, cung ứng, lưu thông, phân phối các mặt hàng do Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá. Công tác này nhằm điều chỉnh giá với lộ trình phù hợp. Kết quả, trong 5 tháng đầu năm, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao là 4 - 4,5%).

Theo ông, Chính phủ cũng sử dụng các chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Điều này tương tự như việc Chính phủ xử lý thị trường vàng tăng giá, nhảy múa trong thời gian qua. Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách tăng đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển. Tuy nhiên, các đơn vị cũng phải quan tâm dự báo và có những hợp đồng mang tính ổn định, dài hạn để kiểm soát việc tăng giá các nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu.

Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, có thương hiệu

Trả lời thắc mắc của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về các giải pháp phục hồi du lịch trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần liên kết chuỗi giá trị. Đặc biệt, du lịch cần gắn với các công ty lữ hành, lưu trú, thương mại, vận chuyển, kết nối giữa các địa phương để tạo ra những con đường di sản hay tạo ra những điểm đến hấp dẫn.

Ông nói: “Chúng ta cần cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch, cải thiện công tác quảng bá các sản phẩm du lịch. Trên thực tế, chúng ta chưa có một định hướng rõ ràng về các sản phẩm mang thương hiệu riêng biệt Việt Nam. Khi xây dựng được thương hiệu, có tiêu chuẩn chất lượng thì sẽ đạt được hiệu quả”.

Ông cho rằng, cần chú trọng đầu tư hơn nữa cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch bởi có nhiều nơi, du khách đến khá đông nhưng cơ sở hạ tầng, môi trường, thực phẩm vẫn chưa thực sự tốt. Cùng với đó, cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, không để trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương; đồng thời cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, visa, tăng cường các hoạt động đối ngoại để tạo đà cho du lịch phát triển.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI