Việt Nam nhận chuyển giao kỹ thuật cấy ghép đầu người vào năm 2017

13/01/2016 - 07:34

PNO - Ca ghép có thể diễn ra trong 2 ngày với các quy trình phức tạp. Hiện thử nghiệm trên loài chuột và chó đã cho những kết quả khả quan.

Ngày 12/1, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị nguồn nhân lực và các điều kiện thích hợp để nhận chuyển giao công nghệ ghép đầu người đầu tiên trên thế giới, có thể diễn ra vào năm 2017.

Quy trình phẫu thuật cho ca ghép đầu dự kiến gồm làm lạnh đầu, cắt đầu của người hiến bằng lưỡi dao kim cương, bảo vệ đầu bằng bơm ôxy liên tục lên não qua ống silicone; cắt đầu người nhận trên thân não để tim vẫn đập và nuôi cơ thể. Bắt đầu ghép thì nối dây thần kinh tủy sống, kết nối cột sống, nối mạch máu, cơ, da… sau đó theo dõi và săn sóc sau ghép.

Ý tưởng ghép đầu người được xuất phát từ năm 2013, một vị bác sĩ ở Italy đã đề xuất phương án làm mất đầu, bảo quản tủy bằng quy trình GEMINI, sử dụng PEG và kích thích điện.

Viet Nam nhan chuyen giao ky thuat cay ghep dau nguoi vao nam 2017
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế).

Sau đề xuất này, một ê kíp gồm 150 chuyên gia trong lĩnh vực y học đã được đào tạo để thực hiện. Kỹ thuật ghép đầu đã được thực hiện thử nghiệm trên khoảng 1.000 con chuột. Sau khi được cấy ghép đầu, những con chuột này có thể thở, nhìn thấy và uống nước trong 3 tiếng đồng hồ.

Trước đó, năm 1950, ca ghép đầu lên vai một con chó khác tạo chó hai đầu được thực hiện. Con vật này có thể di chuyển, uống nước.

Theo ông Sơn, điều khó khăn nhất trong kỹ thuật cấy ghép đầu người là tìm được nguồn người cho và người nhận. Hiện tại, bệnh nhân nam tên là Valery Spiridonov, người Nga, 30 tuổi, bị mắc phải chứng bệnh teo cơ tủy sống hiếm gặp và hiện chưa có phương pháp điều trị đã tình nguyện tham gia ca ghép đầu người đầu tiên.

Tại Việt Nam, các bác sĩ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến ca ghép đầu người. Đồng thời, Việt Nam đang lên kế hoạch chuẩn bị người nhận, người cho đầu, nhân lực, kỹ thuật, sẵn sàng lập đề án về ghép đầu người.

"Các bác sĩ đã sẵn sàng tiến hành ca hiến - ghép đầu. Chỉ còn thiếu một con dao thật đặc biệt, để thực hiện phẫu thuật mà không ảnh hưởng đến tuần hoàn, có thể ghép được đầu. Đối với những bệnh nhân bị liệt tủy sống, liệt tứ chi nhưng đầu óc còn tỉnh táo có thể tiến hành hiến đầu cho người chết não. Theo các tiêu chuẩn mới dựa trên các tiến bộ về y sinh, một con người được coi là chết khi hoạt động của toàn bộ não bộ bị ngừng hoạt động không hồi phục” - ông Sơn nói.

Phương Dung


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI