1.
Một ngày tháng 12/2022, tôi từ Ethiopia trở về Việt Nam. Chuyến bay có 600 hành khách, quá cảnh ở 2 quốc gia. Trên máy bay, tôi dễ dàng đoán được điểm dừng của mọi người. Những ai hạ cánh và di chuyển vào sân bay Quảng Châu (Trung Quốc) sẽ mặc trên người bộ đồ bảo hộ chống dịch màu trắng, hơi nước đọng trên cặp kính. Các du khách từ châu Âu, châu Phi hoàn toàn cởi bỏ khẩu trang và đáp xuống Bangkok (Thái Lan).

Chiếc khẩu trang, bộ đồ bảo hộ y tế… khiến tôi nhớ năm ngoái, Việt Nam cũng kiên cường chống dịch. Sau thời gian “bình thường mới”, những chuyến bay nội địa rồi quốc tế được nối dài. Những người trẻ mê “xê dịch” như tôi lại có cơ hội cầm passport và bước ra thế giới. 

Một ngày tháng 4/2022, tôi đặt vé máy bay đi Nepal, quá cảnh tại Ấn Độ. Đây là chuyến bay đầu tiên sau khi dịch COVID-19 khiến ngành hàng không “đóng băng”. Lúc chuẩn bị ra cửa máy bay, đại diện hãng bay đã đeo vào cổ tôi một vòng hoa, nói: “Chào mừng bạn đã trở lại đường bay Việt - Ấn”.

Sharan - hướng dẫn viên của tôi tại Nepal - chia sẻ: COVID-19 là cơn khủng hoảng nghiêm trọng nhất khiến ngành du lịch của quốc gia sở hữu 8/10 ngọn núi cao nhất thế giới phải ngưng hoạt động trong 6 tháng. Suốt thời gian đó, người đàn ông 46 tuổi này đã nhận được sự giúp đỡ từ những khách hàng của anh trước đó. Một cặp vợ chồng người Mỹ đã gửi 1.200 USD để anh trang trải chi phí sinh hoạt. “Tôi vô cùng trân trọng và biết ơn sự tương trợ ấy” - Sharan thổ lộ. 

2.
Tôi gặp chị Huỳnh Thị Bích Uyên (44 tuổi, quê Bạc Liêu) vào những ngày đầu tháng 11/2022, tại Đài Loan (Trung Quốc). Rời khỏi cuộc hôn nhân với người chồng Đài, chị lao động, nuôi con, gầy dựng một cơ sở kinh doanh. Chị cũng chắt chiu tiền bạc để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Song, khoảnh khắc khiến chị đau lòng nhất trong suốt 20 năm xa quê là khi người anh ruột qua đời mà không thể gặp mặt. “Năm 2021, COVID-19 khiến mọi chuyến bay đều dừng lại. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành nguyện cầu trong lòng” - chị Uyên tâm sự. Mùa đông năm 2022, chị gấp tờ lịch đánh dấu ngày bay, rồi tất tả ra cửa hàng mua dầu xanh, thuốc dán, dầu gội… để chuẩn bị về Việt Nam. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, chị nhìn qua khung cửa sổ, thấy ruộng đồng xanh xanh, những tòa nhà chọc trời… của Việt Nam thân yêu mà nước mắt cứ chực trào.

3.
Degu Hable, chàng trai Ethiopia đã ôm lấy chúng tôi, 3 khách du lịch người Việt Nam, trước cổng sân bay Jinka. “Đã lâu rồi, tôi mới có cơ hội gặp khách châu Á” - anh nói. Ethiopia có một nền văn hóa rực rỡ, những bộ lạc cổ sống tách biệt với văn minh hiện đại. Quốc gia ở Đông Phi đã cho tôi những ký ức đậm sâu về những đứa trẻ kiệt sức vì suy dinh dưỡng, nhưng vẫn bước đi trên chiếc cà kheo cao lênh khênh. 2 năm dịch COVID-19 khiến khách du lịch đến nước này thưa thớt. Các em vẫn chạm tay, sờ tóc tôi một cách lạ lẫm và đầy thích thú. “Bạn có lẽ là một trong những người châu Á đầu tiên mà em ấy gặp” - Degu nói.

Bao giờ cũng thế, tôi sẽ dành chuyến bay cuối cùng trong năm để trở về Việt Nam, đón tết tại quê nhà. Sim điện thoại được lắp vào, tin nhắn trong nhóm “Cư dân chung cư” đến liên tục, người bán bánh mứt, người gói bánh tét, người làm dưa kiệu, củ hành. Mới hơn 1 năm trước thôi, chúng tôi đã san sẻ nhau từng mớ rau, thớ cá, miếng thịt… để đi qua mùa dịch, nay chúng tôi lại chuẩn bị đón một mùa xuân mới đầy yêu thương.

Về nhà, đó luôn là hành trình tuyệt vời nhất. 

Chia sẻ bài viết:
BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM