Việt Nam mở cửa sớm sau dịch, vì sao khách quốc tế vẫn chưa đến nhiều?

21/12/2022 - 14:57

PNO - Tại hội nghị trực tuyến Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam do Chính phủ tổ chức sáng 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề Việt Nam thuộc nhóm quốc gia mở cửa nền kinh tế sớm sau đại dịch COVID-19, nhưng vì sao chưa thu hút được du khách quốc tế.

 

Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ mới đạt 3,5 triệu lượt khách, trong khi mục tiêu năm 2022 là 5 triệu lượt.  đến TPHCM.
Khách quốc tế đến Việt Nam chỉ mới đạt 3,5 triệu lượt khách, trong khi mục tiêu năm 2022 là 5 triệu lượt - Ảnh: Quốc Thái

Theo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra. Trong khi lượng khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở, ngay sau quyết định mở cửa, Việt Nam tổ chức SEA Games 31, mở cửa du lịch quốc tế… Đến nay, du lịch nội địa phục hồi mạnh nhưng du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn. Vì sao Việt Nam "đi trước, về sau"?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, do thời gian mở cửa đến nay chưa phải mùa du lịch quốc tế (cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường từ tháng 10 năm này đến tháng 3 năm sau); xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến việc nối lại đường bay Việt Nam - Nga, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại với biến chủng mới khiến một số thị trường lớn chững lại. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch, nhất là Trung Quốc đang theo đuổi chính sách ‘‘không COVID’’ và đến nay vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế.

Mặt khác, một số doanh nghiệp du lịch nhận định xu hướng chọn điểm đến của khách châu Âu có thay đổi, sau 2 năm dịch COVID-19, họ chọn những điểm đến gần thay vì tới thị trường xa như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân thủ tục về thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam chưa mở hoàn toàn để thu hút khách du lịch. Thời hạn miễn thị thực 15 ngày là ngắn, chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch quốc tế; hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam chưa phát huy hiệu quả; chưa thành lập được các văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài, nhất là các thị trường trọng điểm để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế...

Để khắc phục, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đề xuất Chính phủ, xem xét, đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ; cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày; xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế.

Đồng thời, tăng cường vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong việc phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp và kết nối lại doanh nghiệp; cập nhật chính sách của các nước cạnh tranh trong khu vực, để có sự điều chỉnh hợp lý trong hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông du lịch... 

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel kiến nghị, Chính phủ cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ, đồng thời có thêm các gói hỗ trợ doanh nghiệp mới, gia hạn các gói hỗ trợ tín dụng đến 31/6/2023. 

Ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Saigontourist Group - thì đề xuất Chính phủ xem xét miễn visa cho khách bằng đường tàu biển đến Việt Nam, vì loại hình khách du lịch tàu biển số lượng khách lớn, mức chi tiêu ngày càng cao. Năm 2023, Saigontourist dự kiến đón 30 chuyến tàu quốc tế, mỗi chuyến hàng ngàn du khách.

Theo đại diện Bộ Công an, thủ tục xin visa vào Việt Nam gặp khó chủ yếu ở khâu xử lý hồ sơ, nhiều hồ sơ không đạt, hoặc đáp ứng được yêu cầu như thiếu ảnh nhân thân, hộ chiếu thiếu thông tin... chưa đủ điều kiện nhập cảnh. Nhưng tất cả những hồ sơ không đạt, đơn vị đều có phản hồi lại cho du khách.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay, để tăng cường thu hút khách quốc tế đến TPHCM, ngành du lịch TPHCM sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp.

Một là, tạo ra các chương trình, kết nối với các sở, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp... trên địa bàn thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng TPHCM. Trong đó, Sở sẽ đẩy mạnh vào du lịch đường sông, khai thác những đặc trưng để thu hút khách quốc tế.

Hai là, tập trung quảng bá du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế để xem tín hiệu, tìm kiếm về du lịch của khách quốc tế, từ đó chuyển thành dữ liệu khách hàng.

Ba là, tham mưu để đầu tư, tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao để bổ sung, tăng cường phục vụ khách quốc tế. 

"Bằng những giải pháp trọng tâm trên, ngành du lịch TPHCM năm 2023 kỳ vọng thu hút 40 triệu lượt khách, trong đó 5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch phấn đấu đạt hơn 150.000 tỷ đồng" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI