Việt Nam thu nhỏ trong mỗi chiếc hộp
Đến với đèn giấy nghệ thuật là một sự tình cờ của chàng trai trẻ Nguyễn Duy Duy. Trong khi tìm kiếm ý tưởng cho đề án tốt nghiệp, anh tình cờ biết và tìm hiểu bộ môn Kirigami. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa tại Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội, anh bắt đầu công việc trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Một năm sau, thấy bản thân không còn đủ đam mê với công việc hiện tại, anh lựa chọn đến với đèn giấy nghệ thuật.
“Cảm giác đầu tiên mình cảm nhận được ở chiếc đèn giấy đó là sự sống động, bắt mắt và khả năng chạm vào trái tim mỗi người. Nó chứa một thế giới thu nhỏ bên trong những chiếc hộp và những người nghệ sĩ khi làm ra mỗi tác phẩm này chính là họ đang muốn kể lại những câu chuyện, muốn hiện thực hóa thế giới tâm hồn của họ”, anh chia sẻ.
|
Nguyễn Duy Duy bên cạnh các tác phẩm của anh |
Những chiếc đèn giấy của Duy kết hợp nghệ thuật cắt giấy cắt giấy Kirigami của Nhật Bản, rối bóng của Trung Quốc và đặc biệt là đèn kéo quân gắn liền với tuổi thơ của anh. Theo Duy, để hoàn thành một sản phẩm phải trải qua năm công đoạn gồm phác thảo lên ý tưởng, chia các layer, cắt khắc, gia cố sản phẩm và điều chỉnh ánh sáng.
Có hai kỹ thuật khó nhất mà theo chàng trai trẻ, đó là mấu chốt để tạo ra một tác phẩm. Trước hết, là kỹ năng kể chuyện qua hình ảnh, phải nghĩ làm cách nào để đưa sản phẩm mình làm ra đi sâu vào trái tim người xem và để họ hiểu được mỗi câu chuyện trong đó. Anh quan niệm nếu như mình làm ra một sản phẩm mà người xem không hiểu, không có cảm xúc, thì đó là một tác phẩm thất bại.
Kỹ thuật thứ hai anh cảm thấy khó khăn không kém là kỹ năng phối ánh sáng và kỹ thuật xuyên sáng qua hình ảnh. Ánh sáng, màu sắc cực kì quan trọng để giúp cho câu chuyện được kể rõ nét và sống động. Nó không chỉ phản chiếu tâm tư nghệ sĩ mà còn soi chiếu tâm thức mỗi người. Một chiếc đèn có nhiều lớp giấy chồng lên nhau, khi được chiếu sáng từ phía sau, chính hiệu ứng thị giác sẽ đưa người xem về những mộng tưởng của bản thân.
|
Áo dài tứ thân, nhật bình, áo dài ngũ thân |
Mỗi tác phẩm mất khoảng từ 1-2 tuần thực hiện và có giá trung bình là 500.000 đồng đối với một bản tiêu chuẩn. Tính đến thời điểm hiện tại, Duy đã làm được hơn 100 tác phẩm đèn giấy nghệ thuật. Đa số đều lấy cảm hứng từ Việt Nam. Bộ sưu tập "Việt Nam đất nước con người" được chàng trai trẻ giới thiệu từ tháng 1/2021.
Sáng tạo từ văn hóa dân tộc
Với Duy, hình ảnh thành phố Hà Nội hằn sâu trong tâm trí anh. Đó là những chuyến đi cùng gia đình đến thủ đô. Lớn lên, anh lựa chọn Hà Nội cho bến đỗ tiếp theo trên con đường học tập của mình. Do đó, những góc phố, sinh hoạt của thành phố ít nhiều ảnh hưởng đến sáng tạo của anh. Trong bộ sưu tập lần này, có lẽ tâm huyết nhất với chàng trai trẻ chính là tác phẩm Mùa thu Hà Nội.
|
Hình ảnh Hà Nội trong các tác phẩm của chàng trai trẻ |
“Hà Nội đẹp nhất có lẽ là vào mùa Thu. Mình thích cái không khí dịu nhẹ thoang thoảng thơm mùi hoa sữa. Nó để lại cho mình 1 cái ấn tượng gì đó rất khó tả. Mọi thứ nhẹ nhàng và xuyến xao. Đó là tác phẩm mà mình cảm thấy ưng ý nhất vì đạt đến chiều sâu của câu chuyện cũng như cách bài trí ánh sáng”.
Không chỉ tái hiện vẻ đẹp Việt Nam qua từng tác phẩm, mỗi chiếc đèn còn soi rọi tuổi thơ của Duy. Việt Nam trong chàng trai Hà Nội là áo dài, nhật bình, ngũ thân hay tứ thân. Văn hóa Việt Nam còn được đặc tả qua không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hát bội, múa rối nước hay nhã nhạc cung đình Huế. Non sông Việt Nam tươi đẹp qua những danh thắng Hội An, Sài Gòn, Huế, ruộng bậc thang Tây Bắc. Còn tuổi thơ của chàng trai trẻ là những mùa trung thu rước đèn, phá cỗ.
|
Hội An, Sài Gòn, Huế |
|
Hát bội, nhã nhạc cung đình Huế, múa rối nước |
Dù học hỏi nghệ thuật cắt giấy Kirigami của người Nhật nhưng những tác phẩm của Duy rất Việt Nam. Khách hàng của Duy đa dạng lứa tuổi, nghề nghiệp. Đặc biệt, đối với khách du lịch, các tác phẩm của Duy luôn khiến họ trầm trồ. Duy cho rằng, bất cứ người nghệ sĩ Việt Nam nào cũng đều mong muốn có thể đưa các yếu tố các giá trị văn hóa của dân tộc thổi hồn vào trong tác phẩm của mình. Đây là một cách để quảng bá về hình ảnh Việt Nam cho bạn bè quốc tế.
|
Tuổi thơ của chàng trai trẻ là những mùa trung thu rước đèn, phá cỗ |
|
Ruộng bậc thang, miền Tây sông nước, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên |
Được biết, hiện Duy đang sử dụng loại giấy có định lượng cao để làm sản phẩm. Tuy nhiên, anh đang nghiên cứu để có thể thay thế bằng các loại giấy truyền thống của Việt Nam như giấy gió, giấy điệp và 1 số loại giấy truyền thống khác. Anh cũng đang ấp ủ hai dự án “Những ngày thơ ấu” và “Cuộc đời Đức Phật Thích Ca”
“Mình thật sự rất mong muốn nếu có thể tạo ra 1 triển lãm để cho các bạn trẻ trong nước và quốc tế được trực tiếp cảm nhận loại hình nghệ thuật mới này. Mình cũng đang rất hi vọng và mong đợi để đến 1 thời điểm thích hợp mình có thể thực hiện được ước mơ góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”, anh bộc bạch.
Tấn Đồng