Việt Nam làm gì để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc?

22/05/2020 - 07:21

PNO - Nhiều công ty, tập đoàn lớn đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác. Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài Việt Nam, hiện Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… cũng đã có những động thái để đón làn sóng này.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): “Không dễ để các nhà đầu tư từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc”

Để thu hút được vốn đầu tư do các nước thuộc Liên minh châu Âu, Nhật Bản dịch chuyển khỏi Trung Quốc, không phải dễ dàng, vì ngoài Việt Nam, họ còn nhắm đến Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… Thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng không dễ từ bỏ Trung Quốc vì đây là một thị trường 1,4 tỷ dân, có thu nhập bình quân 10.000 USD/người/năm. Việc chuyển dịch có thể chỉ diễn ra một phần. 

Báo chí Nhật Bản đưa tin Panasonic chuyển nhà máy sản xuất đồ gia dụng từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong ảnh: nhà máy Panasonic tại Hà Nội
Báo chí Nhật Bản đưa tin Panasonic chuyển nhà máy sản xuất đồ gia dụng từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong ảnh: Nhà máy Panasonic tại Hà Nội

Việt Nam cần chính sách mạnh như Indonesia. Nhưng nên nhớ, chúng ta không phải là một cái chợ. Cần phải xem xét, nghe ngóng các nước khác, tùy tình hình của nước mình mà cải tiến nhiều mặt để tạo ra sức hút. Để thu hút được luồng vốn dịch chuyển, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thể chế, bộ máy hành chính, giảm bớt thủ tục, giấy phép; nâng cao kết cấu hạ tầng, nhất là cảng và sân bay; nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện phát triển TP.HCM: “Xây dựng tiêu chí để chọn lọc dự án đầu tư” 

Sự dịch chuyển không chỉ từ thị trường Trung Quốc sang mà tới đây, Việt Nam có thể đón luồng đầu tư từ châu Âu sau khi hiệp định EVFTA và EVIPA được ký kết. Nhưng các nhà đầu tư cũng xét xem Việt Nam có thỏa tiêu chí của họ hay không. Nhìn vào thực tế, kinh tế vĩ mô, thể chế chính trị của Việt Nam ổn định, an toàn. Trong đợt dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình. 

Việt Nam vẫn còn quỹ đất cho nhà đầu tư phát triển. Nhưng vấn đề quan trọng là các chính sách đi liền với đất như thuế, thời gian giao đất, nguồn nhân lực, kết nối logistics, cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và hàng không. Về ưu đãi đất đai, thuế, thời gian vừa qua, Việt Nam có rất nhiều chính sách cho doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí ưu đãi nhiều đến mức lấn át doanh nghiệp trong nước. Nên hiện nay, không cần thêm ưu đãi nữa mà chỉ cần hoàn thiện cơ chế thị trường một cách đồng bộ, xây dựng tiêu chí để chọn lọc được các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, đảm bảo về môi trường. 

Hoa Lài (ghi)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Đây là cơ hội để thúc đẩy các ngành công nghiệp”

Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác ở châu Âu đã tuyên bố sẽ chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc (TQ) vì họ muốn thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc quá mức vào TQ, nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ. Trong nhiều năm qua, nền kinh tế toàn cầu phát triển theo cách kết nối với nhau chặt chẽ qua chuỗi cung ứng, trong đó, TQ là công xưởng của thế giới.

Khi TQ xảy ra dịch COVID-19, nhiều nhà máy đóng cửa dẫn đến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Các nước phải chuyển một phần nhà máy về nước họ và sang một số nước khác, trong đó có Đông Nam Á. Đây là cơ hội mới cho Việt Nam. Việt Nam ở gần TQ nên tiện lợi cho các nhà đầu tư di dời, điều hành, kết nối. Hiệu quả trong chống dịch COVID-19 vừa qua cũng là điểm cộng để Việt Nam đón làn sóng đầu tư này. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu sắp xếp tốt các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện có, Việt Nam có đủ quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư khi vào Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu sắp xếp tốt các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện có, Việt Nam có đủ quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư khi vào Việt Nam

Tuy nhiên, khi chọn lựa đầu tư, họ còn đánh giá môi trường đầu tư xem thuận lợi hay không; quy mô, trình độ phát triển kinh tế đáp ứng tốt không; hạ tầng, khả năng giao dịch kết nối, trình độ lao động như thế nào. Lâu nay, Việt Nam cũng được các nước chọn đầu tư nhưng chủ yếu làm những khâu có giá nhân công thấp, tương đối đơn giản chứ chưa làm được những sản phẩm phức tạp. Muốn đón luồng đầu tư mới, môi trường kinh doanh của Việt Nam cần có sự thay đổi tích cực. 

Các nước Indonesia, Malaysia... có trình độ phát triển, năng suất lao động đều cao hơn Việt Nam. Họ làm được những ngành phức tạp như ô tô, còn Việt Nam chủ yếu chỉ lắp ráp. Họ đang chuẩn bị rất tích cực để đón luồng chuyển dịch khỏi TQ.

Quỹ đất của Việt Nam không còn nhiều, nhưng cũng đã có hàng trăm khu chế xuất, khu công nghiệp được xây dựng, hầu hết đều chưa sử dụng hết đất, mới dùng khoảng 50% quỹ đất. Tuy nhiên, cần những khu chế xuất, khu công nghiệp đã vận hành tốt, hiểu các nhà đầu tư, tạo được thuận lợi không chỉ về mặt hạ tầng mà cả các thủ tục. 

Nhà nước đang làm thí điểm khu Vân Đồn. Tôi cho rằng, nhân dịp này, nên xây dựng lại mô hình cũng như cách tiếp cận của khu này. Một quỹ đất mới hoàn toàn có cơ chế đặc thù, thông thoáng hơn các nơi khác thì không nên làm casino để vui chơi, giải trí. Hơn nữa, biến khu Vân Đồn thành nơi để TQ sang chơi thì không nhà đầu tư làm công nghiệp nào dám vào. Các nước tránh TQ, sợ TQ ăn cắp các sản phẩm công nghệ. Chính phủ nên xây dựng lại chiến dịch cho khu Vân Đồn. Thông điệp của Việt Nam phải rõ. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy các ngành công nghiệp đang thiếu chứ không phải biến mình thành khu vui chơi. Làn sóng dịch chuyển khỏi TQ còn có cả chính nhà đầu tư của TQ. Vì vậy, Việt Nam cũng cần tính tới các đối tượng này. 

Trước việc doanh nghiệp Mỹ, Nhật... chuyển dịch đầu tư từ TQ sang Việt Nam, phải coi trọng, tận dụng đối đa thời cơ và chuẩn bị thật tốt để thuyết phục các nhà đầu tư khi họ khảo sát. Như trước đây, khi nhà đầu tư Intel đến Việt Nam, Thủ tướng đã giao một tổ công tác riêng chuyên giải quyết các vấn đề, tháo gỡ khúc mắc cho các nhà đầu tư để kéo họ vào Việt Nam. Muốn thuyết phục, thu hút được những công ty lớn, phải làm theo cách bài bản như vậy mới hiệu quả.

Nguyễn Cẩm (ghi)

Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), 
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách: “Cơ hội để tiến mạnh vào chuỗi cung ứng của thế giới”

Các nhà đầu tư Trung Quốc (TQ) có thể mua các doanh nghiệp Việt Nam theo hình thức M&A - mua cổ phần, sau đó chiếm quyền kiểm soát. Tôi bảo lưu quan điểm rằng, đây là cơ hội để Việt Nam đón các làn sóng đầu tư khi chúng ta đã ký và kích hoạt nhiều hiệp định thương mại tự do, mới nhất là EVFTA. Đó là cơ hội lớn, vì với TQ, Việt Nam là thị trường để né thuế xuất khẩu sang nước thứ ba. Tuy nhiên, có thể có làn sóng dịch chuyển từ phía các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, công nghệ không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường của TQ ra khỏi nước này. Họ sẽ tìm kiếm những quốc gia để chuyển những công nghệ đó nhằm tiếp tục kiếm lợi nhuận từ công nghệ đó và Việt Nam có thể sẽ là điểm đến. 

Để tránh điều này, sẽ cần đến những chế tài, những quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã có những điều chỉnh cần thiết, nhất là giai đoạn 2014-2015 khi chúng ta chạy đua hoàn thiện các yêu cầu để thông qua TPP, đặc biệt là Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về các lĩnh vực đầu tư mang tính nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc gia… Tôi nghĩ rằng, hoạt động đầu tư liên quan đến các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ không có điều gì đáng lo lắng vì nó sẽ được vận hành theo cơ chế thị trường rất mạnh. Chúng ta có đủ công cụ, chế tài để kiểm soát.

Tuy nhiên, các địa phương trong nước tiếp nhận doanh nghiệp như thế nào, làm sao để không phá vỡ các cân đối về quy hoạch là điều quan trọng hơn, nhất là khi xem xét các luồng vốn đến từ TQ. Chúng ta cũng không thể đối xử bất bình đẳng với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo phân loại quốc gia được mà phải đồng nhất trên cơ sở những điều chúng ta đã cam kết. Chúng ta đã có nhiều cam kết quốc tế và phải có nghĩa vụ thực hiện các cam kết đó. 

Nguồn cung đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam sẽ là bài toán khó, bởi 30-45% doanh nghiệp Việt Nam hiện đang sử dụng công nghệ TQ. Công nghệ này mang nghĩa rất rộng, có thể từ các loại máy móc cơ bản đến cả một dây chuyền sản xuất. 

Có một làn sóng di chuyển nhà xưởng, công nghệ, nguồn cung ra khỏi TQ. Vấn đề là Việt Nam có đón được làn sóng đó hay không. Sức hấp dẫn về thể chế, môi trường đầu tư sẽ mang tính quyết định nhiều. Tôi không nghĩ môi trường đầu tư của Việt Nam kém hơn các nước, nhưng thể chế sẽ mang tính quyết định nhiều đến việc các doanh nghiệp nước ngoài có chọn Việt Nam hay không.

Vừa rồi, khi dịch COVID-19 hoành hành ở TQ, thương mại gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngừng hoạt động do nguồn cung nguyên phụ liệu phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp TQ. Do vậy, tới đây, các doanh nghiệp sẽ phải có kế hoạch, chiến lược xây dựng nguồn cung của mình trong dài hạn, trong đó, cần có tối thiểu hai nhà cung ứng trở lên ở hai quốc gia khác nhau, tức là không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ TQ nữa.

Đồng thời, phải dựa vào công nghệ để “nâng cấp” chuỗi cung ứng của mình. Nhiều doanh nghiệp hiện nay nhờ công nghệ đã bỏ qua những khâu mang tính truyền thống của thị trường. Với Việt Nam, đây sẽ là cơ hội để tiến bước dài trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của thế giới nếu như chúng ta đánh giá đúng mức tầm quan trọng của việc đưa công nghệ vào sản xuất. 

Thư Hùng (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI