Việt Nam là thị trường hấp dẫn của các hãng mỹ phẩm

05/06/2024 - 07:15

PNO - Ông Kim Kyung Hyo - Giám đốc bộ phận mỹ phẩm hằng ngày của Tập đoàn LG Vina (Hàn Quốc) - nhận định, Việt Nam là thị trường hấp dẫn của các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế lớn do có dân số đông, sở thích làm đẹp của người trẻ thay đổi nhanh theo xu thế của thị trường. LG Vina đặt mục tiêu đạt doanh thu ở thị trường Việt Nam khoảng 300 tỉ đồng/năm.

Ngoài LG Vina, rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm khác cũng muốn tăng thị phần trên thị trường Việt Nam. Mới đây, sàn thương mại điện tử Alibaba đã mua lại lượng cổ phần thiểu số ở chuỗi cửa hàng chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Hasaki. Cách đây hơn 1 năm, công ty thương mại điện tử về sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe Social Bella của Indonesia cũng bước chân vào thị trường Việt Nam. Trước đó, những tên tuổi mỹ phẩm quốc tế như Pond’s, Beiersdorf (Nivea), Ohui, The Face Shop, L’Oreal… đã thâm nhập thị trường Việt Nam và có được thị phần nhất định.

Sản xuất mỹ phẩm tại một doanh nghiệp. Ảnh Ngọc Anh
Các doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước ngày càng chú trọng các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tự nhiên - Ảnh: Ngọc Anh

Theo một nghiên cứu của Euromonitor International (công ty cung cấp dịch vụ phân tích thị trường và phân tích khách hàng toàn cầu), trong giai đoạn 2018-2022, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam sử dụng các sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên 86%. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường mỹ phẩm trong thời gian tới sẽ ở mức 15% đến 20%. Còn theo dự báo của Inkwood, đến năm 2028, ngành chăm sóc da ở Việt Nam sẽ đạt doanh thu 1,3 tỉ USD, tăng 6,47% so với năm 2022.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn của các thương hiệu mỹ phẩm ngoại đang tạo ra sức ép không nhỏ cho các nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước. Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp non trẻ với 965 cơ sở sản xuất, trong đó chỉ 35 cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của ASEAN.

Ngọc Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI