"Việt Nam là một trong số ít nước đạt mức tăng trưởng dương dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch"

26/05/2020 - 18:35

PNO - Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt mức 2,7-4,9%, thấp hơn nhiều so với những dự báo trước đó. Tuy nhiên các tổ chức này vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước có mức tăng trưởng dương dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chiều 26/5, Hội nghị "Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19" đã được Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối với các điểm cầu tại 19 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh VGP

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam vừa công bố Bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2020. Theo đó, WB nhận định, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc.

Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt mức 2,7-4,9%, thấp hơn nhiều so với những dự báo trước đó. Tuy nhiên, các tổ chức này vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước có mức tăng trưởng dương dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

"Dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 2,7% nhưng tinh thần của Chính phủ là phấn đấu để tăng trưởng gấp đôi dự báo", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng điện tử hóa, ứng dụng công nghệ thông tin....

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 trên tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Thời gian tới, Chính phủ xác định sẽ thông qua và triển khai Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định cũng như chi phí tuân thủ theo quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; giảm tối đa số văn bản hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, sau hơn 5 tháng hoạt động, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 408 dịch vụ công trực tuyến. Có 8,4 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; tiếp nhận gần 5.900 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp... Tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là 6.490 tỷ/năm; trong đó đóng góp của Cổng Dịch vụ công quốc gia là 3.036 tỷ đồng/năm.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến (Ảnh: VGP)
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến - Ảnh: VGP

Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tới 85,7% doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch COVID-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỉ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%; nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%. Một số ngành tất cả các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng như: hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch 95,7%, giáo dục đào tạo 93,9%. Vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung có tỉ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngoài ra, có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho rằng, thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh, 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được...

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI