Việt Nam là đầu tàu “gắn kết và chủ động thích ứng” của ASEAN

05/11/2019 - 10:00

PNO - Tối 4/11, ngay sau lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố chủ đề năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”.

Nhiệm kỳ của Thái Lan năm 2019 góp phần thúc đẩy tuyên bố chung về vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương (AOIP) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, khẳng định khái niệm về tính tự do và mở cửa, đồng thời ứng phó sự thay đổi nhanh về trật tự khu vực. Đón nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thể hiện tốt vai trò trung tâm tại khu vực, đặc biệt là giữa những biến động địa chính trị từ bên ngoài.

Viet Nam la dau tau “gan ket va  chu dong thich ung” cua ASEAN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong buổi lễ chuyển giao sau Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35

Việt Nam trưởng thành từ ASEAN

Theo tiến sĩ Trần Việt Thái -  Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao - ASEAN là đối tác quan trọng hàng đầu về chính sách đối ngoại của nước ta. Đầu tiên, ASEAN là bước đệm để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào cộng đồng toàn cầu như APEC, Liên hiệp quốc… Thứ hai, ASEAN giúp Việt Nam đào tạo một nhóm lớn các quan chức, nguồn nhân lực nói tiếng Anh thông qua rất nhiều chương trình học bổng khu vực và giúp Việt Nam hoàn thiện hơn cách giao tiếp với các đối tác bằng tiếng Anh. 

Cuối cùng, ASEAN mở ra cánh cổng lớn cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ODA và các loại hỗ trợ khác để phát triển. Thông qua các hiệp định đối tác ASEAN + 1, ASEAN + 3 và ASEAN, Việt Nam đón nhận nguồn vốn cho quá trình giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Việt Nam hiện đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, với mức tăng GDP khoảng 7% vào năm 2018, cao hơn mức trung bình của khu vực (4%). Giữa cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài, Việt Nam hưởng lợi khá nhiều từ mở cửa kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng và ổn định chính trị. Tuy nhiên, sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể ảnh hưởng xấu đến Việt Nam trong dài hạn.

Thách thức ở vai trò Chủ tịch ASEAN

Đây là lần thứ ba, Việt Nam giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN, trùng với lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Vào năm 1998, kế hoạch hành động của Việt Nam trong nhiệm kỳ chủ tịch đầu tiên đã đưa ra một số biện pháp táo bạo nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh cho khu vực. Đến nhiệm kỳ năm 2010, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy một số đường lối chính về tăng cường kết nối trong khối, về phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ phụ nữ, trẻ em. 

Năm 2020, với những căng thẳng địa chính trị gia tăng trong khu vực, thương mại toàn cầu chậm lại và các mối đe dọa xuyên quốc gia nổi lên, Việt Nam cần lèo lái con thuyền ASEAN qua những cơn sóng từ căng thẳng Mỹ - Trung, để không chỉ duy trì cân bằng mà còn phần nào tác động đến việc định hình kiến trúc kinh tế và chiến lược của khu vực. Nhìn chung, với vai trò lãnh đạo ASEAN, Việt Nam cần chú ý đến ba lĩnh vực sau:

- Đầu tiên, nền kinh tế internet kết hợp của 10 quốc gia ASEAN ước tính trị giá 300 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, ASEAN cần lưu tâm đến những cạm bẫy của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), bởi khả năng thích nghi không đồng đều giữa mỗi quốc gia sẽ càng nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế. Điều tiết nền kinh tế kỹ thuật số vẫn là một thách thức nghiêm trọng. 
- Thứ hai, những nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu sẽ là trung tâm khi các quốc gia thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris. ASEAN rất dễ bị tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao do có bờ biển dài và nhiều khu vực trũng thấp, từ đó ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, lây lan các bệnh nhiệt đới, đe dọa đến cuộc sống và sinh kế của người dân.

- Thứ ba, thành công kinh tế của ASEAN được củng cố bằng sự cởi mở đối với thương mại và đầu tư, nhưng trật tự này vốn dựa trên quy tắc về một hệ thống đa phương, với Mỹ và châu Âu là trung tâm. Sự sụp đổ của hệ thống này hiện đang thách thức các nhà lãnh đạo ASEAN tìm cách chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và nắm lấy một hệ thống thương mại tự do, cởi mở hơn. Thái Lan góp phần thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 7 năm đàm phán. RCEP trở nên cấp bách sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP vào năm 2017. Dự kiến, 16 thành viên của RCEP sẽ đóng góp 30% thương mại toàn cầu và GDP thế giới, đưa ASEAN trở thành trung tâm của nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ASEAN không ngừng hoàn thiện để thích ứng các xu hướng chính của toàn cầu trong những năm gần đây. Việt Nam năm 2020 có tiềm năng tiếp tục chặng đường mang tính xây dựng của ASEAN trong việc tăng cường hội nhập thương mại, xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện và giảm thiểu biến đổi khí hậu. “Gắn kết và chủ động thích ứng” chính là hy vọng chung, được toàn thể cộng đồng đón nhận và ủng hộ. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI