Việt Nam kiên quyết phản đối Trung Quốc đưa người trái phép đến quần đảo Hoàng Sa

23/05/2024 - 16:50

PNO - Mọi yêu sách và hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt

Chiều 23/5, tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, về thông tin Trung Quốc đưa tàu bệnh viện đến các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để khám và điều trị cho những binh sĩ đang đồn trú trên đảo, Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nêu rõ:

“Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển cũng như lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp Việt Nam. Việt Nam phản đối các hành động vi phạm đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Về việc ngày 15/5, giới chức Trung Quốc ban hành quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6, cho phép hải cảnh nước này áp dụng hình phạt giam giữ lên tới 30 ngày với những người nước ngoài bị cáo buộc xâm phạm vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền mà không qua xét xử; trong những vụ việc phức tạp thời gian giam giữ có thể lên đến 60 ngày. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trước đó, ngày 28/3, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Đức Thắng cũng đã nhấn mạnh: Việt Nam rất quan ngại và kêu gọi các bên hết sức kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Mọi yêu sách và hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Đồng thời phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS; không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

M.Tâm

 
TIN MỚI