Việt Nam không thiếu cán bộ y tế, chỉ thiếu chất lượng!

26/05/2022 - 18:26

PNO - ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, Việt Nam không thiếu số lượng cán bộ y tế, chỉ thiếu chất lượng.

 

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu khẳng định, Việt Nam không thiếu cán bộ y tế về số lượng mà chỉ thiếu về chất lượng

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu khẳng định, Việt Nam không thiếu cán bộ y tế về số lượng mà chỉ thiếu về chất lượng

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 26/5 về Dự Luật khám chữa bệnh (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, không nên cấp chứng chỉ hành nghề giao cho Hội đồng y khoa (HĐYK) vì lo ngại hành chính hóa, rườm rà thủ tục.Trái ngược quan điểm trên, ĐBQH (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu cho biết, cấp chứng chỉ hành nghề giao cho HĐYK là cần thiết. Bởi nếu giao cho các Cục, Sở y tế địa phương thì rất “hình thức, sinh ra rất nhiều tiêu cực phát sinh".

Việc cấp ở HĐYK có mục đích nâng cao trình độ chuyên môn, cắt giảm tắc trách. Tuy nhiên, việc thành lập HĐYK hiện nay lại mang tính chất hình thức, không có tính chất độc lập chuyên môn. “Cử Bộ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch hội đồng, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh làm phó Chủ tịch hội đồng, 1 Thứ trưởng về hưu khác làm Phó chủ tịch hội đồng thì không khác gì Bộ Y tế cấp phép cả”, ĐB Lân Hiếu khẳng định đang có cách hiểu sai về HĐYK.

ĐB đề nghị cần quy định rõ ràng, cơ cấu HĐYK lại. Theo đó, việc cấp phép hành nghề chia làm 2 nhóm rõ ràng. Nhóm thứ nhất là hành nghề đa khoa như bác sĩ gia đình, bác sĩ quận, huyện, nếu ra trường vượt qua bài test của HĐYK đề ra thì cho đi làm luôn. Với cấp phép hành nghề chuyên khoa thì quan trọng hơn, cần có HĐYK phối hợp với các Hội ngành chuyên ngành. Bởi theo ông, hầu hết các hội chuyên ngành hiện không có vai trò gì, đúng với từ “hội hè”.

Nếu Hội thực chất tham gia vào cấp phép hành nghề thì giúp vai trò của hội nâng cao, các hướng dẫn hành nghề của hội được các bác sĩ tuân thủ. “Vì các bác sĩ học mỗi nơi một khác như Pháp, Nhật... mỗi người thực hiện theo cách mình đi học mà không theo hướng dẫn của hội chuyên ngành thì mãi là một nền y tế cóp nhặt”, ĐB đề nghị trong giai đoạn đầu có thể thí điểm ở các hội mạnh, thực sự có thể đảm nhiệm được vai trò cấp giấy phép hành nghề".

Về việc gia hạn giấy phép hành nghề, ĐB cho rằng, nếu quy định 5 năm lại sinh ra tham nhũng, xin cho. Do đó, không nên làm theo cách kinh điển là lên xin cấp lại, phải xếp hàng… mà nên áp dụng công nghệ. Nếu cán bộ y tế đủ điều kiện, đủ thời gian học thì tự động cấp phép, cũng giống như cấp lại cho người hết hạn giấy phép lái xe.

Về việc bỏ chức danh y sĩ trong Dự luật, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ sự đồng tình, tuy nhiên phải có sự thống nhất chung trong toàn hệ thống. Theo ông, hiện nay ngành y đang đào tạo điều dưỡng hệ cao đẳng và điều dưỡng hệ đại học. Hai chức năng này hoàn toàn đảm nhận được công việc như y sĩ. Ông cũng nhấn mạnh, không nên vì lo ngại bỏ chức danh y sĩ thì sẽ thiếu người làm, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

“Việt Nam có số lượng đào tạo y khoa hiện rất lớn, hơn 60 trường đại học y dược. Chúng ta chỉ thiếu chất lượng chứ không thiếu số lượng. Chúng ta thiếu chất lượng vì chất lượng đào tạo kém, hệ thống chưa hoàn chỉnh, có sự chênh lệch giữa các cơ sở đào tạo y khoa”, ĐB nhấn mạnh.

Ông cho rằng, không lo thiếu bác sĩ mà cần phải nâng cao trình độ của cán bộ y tế. “Chúng ta phải siết lại việc điều trị, các bác sĩ phải cấp bằng 1 cách thực chất. Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật mới thay đổi được hệ thống y tế đang trong giai đoạn khá nguy cấp tại Việt Nam. Những vùng sâu vùng xa cần có chính sách để đưa cán bộ y tế giỏi về và nâng cao trình độ nhân viên y tế tại chỗ bằng đào tạo liên tục, bằng Telehealth khám chữa bệnh từ xa... Không thể nói chăm sóc sức khỏe người dân vùng đồng bào thiểu số chỉ cần trình độ vừa vừa. Thực tế đang diễn ra như vậy, chúng ta cần nhìn thẳng để thay đổi", ĐB Nguyễn Lân Hiếu trăn trở.

 

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI