Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng PISA, Bộ GD-ĐT nói gì?

05/12/2019 - 09:49

PNO - Đây là lần thứ ba Việt Nam tham gia đợt đánh giá này, tuy nhiên trong “thang đo quốc tế” (bảng xếp hạng toàn cầu) thì vắng mặt tên Việt Nam.

Vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố kết quả khảo sát PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) 2018 tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đây là lần thứ ba Việt Nam tham gia đợt đánh giá này, tuy nhiên trong “thang đo quốc tế” (bảng xếp hạng toàn cầu) thì vắng mặt tên Việt Nam.

Lên tiếng về lý do tại sao Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng PISA, Bộ GD-ĐT cho biết: Báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Ban đầu, OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang năm 2020 mới công bố. Họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam.

Viet Nam khong co ten trong bang xep hang PISA, Bo GD-DT noi gi?
Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng PISA 2018

Tuy nhiên, do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu, đến tháng 9, OECD đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng các nước khác vào ngày 3/12.

Ngoài ra, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.

Trước đó, OECD đã cử trưởng ban phân tích dữ liệu sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu. Tuy nhiên, kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, dẫn đến mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính.

Bài thi trên giấy hiện vẫn được sử dụng ở chín quốc gia: Argentina, Jordan, Lebanon, Cộng hòa Moldova, Cộng hòa Bắc Macedonia, Romania, Ả Rập Saudi, Ukraine và Việt Nam. Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước tham gia thi trên giấy khi so sánh với các nước OECD thi trên máy tính đều có sự khác biệt. So sánh với các nước trên giấy, Việt Nam có mô hình hoàn toàn tương tự nhưng điểm khác biệt là kết quả của Việt Nam cao hơn rất nhiều.

Việt Nam tham gia PISA từ chu kỳ 2012 với chỉ số GDP thấp nhất trong các quốc gia tham gia PISA (2009, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam được hơn 1.000 USD/năm, thấp thứ 69/70 quốc gia và vùng lãnh thổ). Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ và Bộ GD-ĐT, Việt Nam đã tham gia PISA chu kỳ 2012, bắt đầu triển khai từ 2010.

Bộ GD-ĐT xác định, tham gia PISA là cơ hội hội nhập quốc tế về giáo dục; để biết nền giáo dục Việt Nam đang ở đâu trên thế giới, có được bức tranh tổng thể về giáo dục quốc gia so với giáo dục quốc tế, làm cơ sở cho đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia. Điều này góp phần đổi mới phương pháp đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy - học, thi và đánh giá theo hướng phát triển năng lực; góp phần chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hy vọng trong thời gian tới OEDC sẽ có thêm thời gian để phân tích các điểm khác biệt của kết quả trả lời PISA Việt Nam 2018, từ đó có thể đưa ra các bài học kinh nghiệm cho chính Việt Nam và các quốc gia có thu nhập thấp hoặc đang phát triển như Việt Nam học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phát triển giáo dục.  Đồng thời, Việt Nam sẽ xem xét để chuẩn bị dần các điều kiện để có thể tham gia các kỳ thi PISA sắp tới qua máy tính.

Một số chuyên gia đo lường và đánh giá chất lượng cho biết OCED không công bố kết quả xếp hạng của Việt Nam mà chỉ công bố dữ liệu bảng hỏi. Khác với hai lần khảo sát trước (năm 2012 và 2015).

Khi làm các bài khảo sát theo PISA 2018, kết quả của học sinh Việt Nam khá cao, các môn đều vượt bậc trong thang đánh giá so với lần trước. Kết quả này được các chuyên gia của OECD khá bất ngờ và đã có quá trình trao đổi với phía Việt Nam.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI