Cần “ổ lót” để “đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng”
Chiều 31/10, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về vấn đề kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam) bày tỏ sự trăn trở liên quan tới vấn đề năng suất và chất lượng nguồn lao động.
|
Đại biểu Quốc hội trăn trở về năng suất và chất lượng lao động của Việt Nam |
Theo ông, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo hiện chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới. Nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số… còn thiếu hụt.
Ông Trần Văn Khải cũng trích dẫn số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) để thấy thực trạng của Việt Nam so với bức tranh của khu vực và thế giới. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan và bằng 94,2% của Philippines. Còn theo đánh giá của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) thì năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.
Ông Trần Văn Khải đặt câu hỏi: “Khi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh thì hiện nay chúng ta có gì hay mới chỉ bắt đầu?”. Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, chỉ riêng lĩnh vực chip, bán dẫn, dự báo nước ta cần đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn 2025-2030. Đặc biệt, khi quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp, mở ra cơ hội lớn cho nhiều ngành sản xuất công nghệ cao, sống còn của thế giới hiện đại, Việt Nam buộc phải chuẩn bị “ổ lót” là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, cải thiện năng suất để đón “đại bàng công nghệ hạ cánh đẻ trứng vàng”.
Tương tự, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ sự băn khoăn khi trong 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) nêu, trong năm 2023, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77 - 4,76%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5 - 6%. Đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ tiêu này không đạt kế hoạch đề ra. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 3 năm 2021-2023 chỉ đạt 4,36 - 4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018.
Cần chính sách đột phá, quyết liệt
Trước thực trạng này, ĐBQH Trần Văn Khải cho rằng, nhiệm vụ lớn, cấp thiết nhất hiện nay là phải có chính sách đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực.
Đại biểu kiến nghị, báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn vướng mắc… của vấn đề này. Đồng thời, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể, khả thi đối với việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện rõ rệt năng suất lao động trong thời gian tới.
“Quốc hội cần khẩn trương có giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn nhân lực và năng suất lao động”. Trên cơ sở đó, ban hành nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về các chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương này” - ông Trần Văn Khải nói. Ông mong tiếp tục có những chính sách đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển nhân lực chất lượng cao.
Tương tự, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) đề xuất Chính phủ có các giải pháp quyết liệt, cụ thể để cải thiện, tăng năng suất lao động. Theo ông, Chính phủ cần coi đây là vấn đề cốt lõi để cải thiện sự phát triển kinh tế. “Năng suất lao động phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững” - ông Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa mong Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm ở khu vực lao động tư, cụ thể từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần, như ở khu vực công. Ông phân tích, qua gần 40 năm đổi mới, giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm tương đối cao so với mặt bằng chung. Thống kê của ILO, trong 154 nước khảo sát, chỉ có 2 nước làm việc quá 48 giờ. Một nghiên cứu khoa học sau thời gian COVID-19, việc không làm đủ thời gian lại tốt hơn về tổng hòa cho người lao động.
Theo ông, giảm giờ làm việc tiêu chuẩn sẽ góp phần cơ cấu lại đầu tư của nền kinh tế, không thu hút lao động vào các lĩnh vực thâm hụt lao động mà tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nếu tiếp tục bằng các ngành nghề thâm hụt lao động, sau một thời gian dài, dân số Việt Nam già thì rất khó cạnh tranh.
Minh Quang