Phát biểu tại Lễ mít tinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác vì nước sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, cải thiện điều kiện sống và các cơ hội giáo dục, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em, góp phần vào thực hiện thành công những Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG).
Đồng thời, hợp tác vì nước để tạo ra những lợi thế kinh tế; duy trì và cải thiện nguồn nước, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác vì nước để xây dựng hòa bình khu vực và thế giới, giúp các nhóm, các cộng đồng và các quốc gia vượt qua những khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội cùng nhau xây dựng niềm tin.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi lễ. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam nằm ở hạ lưu của hai con sông quốc tế quan trọng là sông Hồng và sông Mekong. Do 2/3 lượng nước ở Việt Nam được sản sinh từ các nước láng giềng chảy vào hai con sông này; do vậy việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ, khai thác và phát triển bền vững các nguồn nước xuyên biên giới được xem là nội hàm quan trọng của "Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020."
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các quốc gia ở phía thượng lưu hãy hợp tác và cùng chia sẻ với Việt Nam để các dòng sông liên quốc gia trở thành dòng sông hòa bình và mang lại sự thịnh vượng chung cho tất cả các nước trong lưu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam luôn tự hào là cái nôi của nền văn minh lúa nước, là một trong những quốc gia cung ứng nông sản lớn trên thế giới. Sản xuất lúa nước đòi hỏi phải đảm bảo đủ nước, đồng thời nhu cầu sử dụng nước cho các ngành công nghiệp, dịch vụ, giao thông thủy... ngày càng tăng. Việc đảm bảo đủ nguồn nước theo yêu cầu cả về số lượng, chất lượng và thời gian có vai trò quyết định đối với sự thịnh vượng của mỗi khu vực và phát triển bền vững của mỗi ngành.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các bộ, các ngành, các cấp chính quyền địa phương hãy cùng nhau hợp tác, xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin, xây dựng khung khổ pháp lý trong bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước - nguồn tài nguyên quý giá trong thế kỷ này. Đồng thời nhấn mạnh cần đẩy mạnh đối thoại trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý; có các chính sách nhằm tăng cường ứng dụng và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng các công trình khai thác và sử dụng nước; nâng cao ý thức sử dụng nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi mỗi cá nhân, đoàn thể, tổ chức, mỗi ngành, mỗi địa phương trong cả nước hãy nỗ lực hành động, phát huy các sáng kiến trong khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, giảm thiểu các rủi ro do hạn hán và lũ lụt, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống xâm nhập mặn và nước biển dâng... qua đó góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của quốc gia và góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Theo Báo cáo của Liên hợp quốc về Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2012, vẫn còn khoảng 11% dân số thế giới, tương đương khoảng 780 triệu người không tiếp cận được với nguồn nước sạch. Cùng với những diễn biến bất thường của thiên tai do biến đổi khí hậu với quy mô và cường độ ngày càng gia tăng đang góp phần làm cho nguồn nước ngày càng trở nên suy thoái và cạn kiệt. Các hoạt động khai thác sử dụng nước quá mức và không hợp lý, vượt quá khả năng tự tái tạo và tự phục hồi của nguồn nước dẫn đến tình trạng thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng...
Nước sạch được dự báo sẽ sớm trở thành một tài nguyên quý giá và không thể thay thế được; nước đang là chủ đề đặc biệt quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế. Những căng thẳng về nguồn nước đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, xung đột , nhất là trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh sử dụng nước cho phát triển kinh tế của riêng mình.
Với thông điệp “Nếu tất cả chúng ta cùng nhau chia sẻ, ai cũng sẽ có cơ hội sử dụng nước,” Ngày nước thế giới năm 2013 đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác vì nước, đề xuất các giải pháp hướng tới mục tiêu hài hòa trong phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương, các nhóm cũng như sự hợp tác giữa các quốc gia có chung nguồn nước; cùng hướng tới một mục tiêu chung là khai thác, sử dụng nguồn nước một cách bền vững, hiệu quả.
Có thể nói, “Hợp tác vì nước” là chất xúc tác thúc đẩy hợp tác phát triển, là nhân tố mang lại cho cộng đồng và xã hội sự gắn kết. “Hợp tác vì nước” giúp giải tỏa các căng thẳng về văn hóa, chính trị, xã hội đồng thời xây dựng niềm tin giữa mọi người, giữa cộng đồng, các vùng miền và các quốc gia.
Theo TTXVN