Việt Nam duy trì vị thế sức mạnh không quân và hải quân

17/12/2021 - 18:36

PNO - Tạp chí và trang web quân sự nổi tiếng thế giới đánh giá cao về sức mạnh tiềm năng của quân đội Việt Nam, với trọng điểm là không quân và hải quân.

Sức mạnh không quân

Theo báo cáo World Air Forces 2022 (Lực lượng Không quân Thế giới 2022) do tạp chí FlightGlobal thực hiện, 53.271 máy bay quân sự đang hoạt động trên toàn cầu, giảm 292 chiếc so với năm trước, tương ứng 0,6%.

Mỹ vẫn là quốc gia có đội máy bay quân sự lớn mạnh nhất với 13.246 chiếc, vượt xa hai cường quốc kế cạnh là Nga (4.173 chiếc) và Trung Quốc (3.285 chiếc). Tuy báo cáo được cho là không thực sự chính xác, đây là một chỉ dấu tốt cho thấy sức mạnh không quân của từng quốc gia.

 

Những máy bay đang phục vụ lực lượng Không quân Việt nam theo dữ liệu từ FlightGlobal
Số máy bay đang phục vụ trong quân đội Việt Nam theo dữ liệu từ FlightGlobal

Riêng Không quân Việt Nam đang nắm giữ nhiều máy bay quân sự, tiêm kích, trực thăng tấn công đáng chú ý. Con số ít có sự thay đổi so với báo cáo năm trước. Đáng chú ý nhất là đơn đặt hàng bộ đôi tiêm kích huấn luyện chiến đấu Yak-130 của Nga và L-39NG của Cộng hòa Séc (12 chiếc mỗi loại) nhằm phục vụ đào tạo phi công nâng cao chất lượng chiến đấu, đã và đang trên đường đến Việt Nam.

Phía Nga đã bàn giao 6 chiếc Yak-130 cho Việt Nam và dự kiến hoàn thành toàn bộ đơn hàng trong năm 2021. Là bản sao của các máy bay chiến đấu thế hệ 4-5, Yak-130 đáp ứng 80% mục tiêu huấn luyện phi công tiêm kích với khả năng mang theo tên lửa không đối không, cũng như tên lửa và bom có điều khiển.

Đối với 12 chiếc L-39NG, Cộng hòa Séc dự kiến bàn giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023. Như vậy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu, vận hành đồng bộ Yak-130 và L-39NG. Về máy bay chiến đấu, Việt Nam hiện có 34 cường kích ném bom Su-22 cùng 41 chiếc Su-27/30 (dòng tiêm kích đa nhiệm hai chỗ ngồi).

Bên cạnh đó là ba chiếc vận tải cơ quân sự chiến thuật hạng trung C295. Đây là loại vận tải cơ sở hữu động cơ mạnh mẽ, tiết kiệm nhiên liệu, C-295 có tầm bay xa và sức chở lớn hơn (75 người hoặc 9 tấn hàng hóa) so với nhiều máy bay vận tải cùng loại.

Mẫu máy bay Yak-130 do Nga sản xuất
Mẫu máy bay huấn luyện Yak-130 do Nga sản xuất

Hiện Việt Nam đang sở hữu tới ba máy bay vận tải và tuần tra NC-212i, thuộc biên chế Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam. Cùng với 2 trực thăng Ka-32 phục vụ tại Trung đoàn Không quân Hải quân 954.

Hàng phòng ngự Hải quân

Theo Bảng xếp hạng sức mạnh về Hạm đội Hải quân năm 2021 từ Global Firepower - một trang web phi chính phủ chuyên đánh giá sức mạnh quân sự có trụ sở tại Mỹ, Việt Nam đứng thứ 38 trên toàn cầu và thứ 5 ở Đông Nam Á về hải quân.

Việt Nam xếp sau một số quốc gia Đông Nam Á có lực lượng hải quân như Myanmar và Philippines, do có đội tàu chiến ít hơn. Dù vậy, nếu đánh giá một cách tổng thể, tiềm lực của Hải quân Việt Nam đã vượt xa so với số liệu trong báo cáo của Global Firepower.

Theo Global Firepower, Hải quân Việt Nam hiện có tổng cộng 65 tàu chiến các loại, bao gồm 4 tàu hộ vệ tên lửa, 7 tàu hộ tống săn ngầm (hầu hết đã được thay thế), 13 tàu tấn công nhanh, 8 tàu tên lửa, 12 tàu pháo, 5 tàu phóng lôi và một số tàu chiến khác.

Có thể thấy, lực lượng nòng cốt của đội tàu mặt nước Việt Nam hiện nay là các tàu hộ vệ tên lửa và tàu tên lửa tấn công nhanh. Dẫn đầu là 4 khinh hạm lớp Gepard 3.9, tiếp theo là các tàu tên lửa lớp Molniya (8), Tarantul (4) và BPS-500 (1).

HQ-186 Đà Nẵng, một trong 6 chiếc tàu ngầm thuộc biên chế Hải quân việt Nam
HQ-186 Đà Nẵng - một trong 6 tàu ngầm của Hải quân Việt Nam - Ảnh: TTXVN

Hải quân Việt Nam cũng có 6 tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo do Nga đóng. Tàu đầu tiên được đưa vào biên chế từ năm 2014 là HQ-182 Hà Nội và sau đó là HQ-183 TP Hồ Chí Minh.

So với các nước trong khu vực, lực lượng tàu ngầm của Việt Nam được thành lập khá muộn. Tuy nhiên, với việc đưa tàu ngầm Kilo vào hoạt động cũng như thành lập Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên, lịch sử phát triển của Hải quân Việt Nam đã mở ra một trang mới.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất sở hữu tàu ngầm có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển bằng tên lửa hành trình Kalibr.

Cuối cùng về tổng thể sức mạnh quân sự trong năm 2021, Việt Nam được xếp hạng 24 trong số 140 quốc gia được Global Firepower đánh giá, với lực lượng gần 500.000 quân nhân chuyên nghiệp.

Linh La

(theo Soha, Sputnik, Global Firepower, FlightGlobal)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI