Việt Nam đứng thứ 6 trong nhóm quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất

18/10/2023 - 18:15

PNO - Việt Nam là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong top 10 quốc gia có tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Thông tin trên được bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm UBXH của Quốc hội, Chủ tịch nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam - đưa ra tại hội thảo thảo quốc tế “Tăng cường vai trò phụ nữ ngành ngân hàng trước những thách thức mới”. Sự kiện do Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered tổ chức ngày 18/10.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động là rất cao, lên đến 78,2% (tỉ lệ này ở nam giới là 86%). Tỉ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2020 đạt 27,2%. Tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%.

Thời gian qua NHNN đã có những chính sách giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ, phụ nữ khởi nghiệp... Ảnh Thanh Hoa
Thời gian qua, NHNN đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp... - Ảnh: Thanh Hoa

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, NHNN có các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời xem phụ nữ là một trong những đối tượng ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ và cấp tín dụng.

Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Hồng, NHNN đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nghiên cứu, đánh giá nhằm tìm hiểu nắm bắt khó khăn trở ngại đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ngoài ra, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank phối hợp với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam hướng đến nhóm đối tượng khách hàng nữ, truyền tải vốn tín dụng thông qua hoạt động của các tổ vay vốn.

Hiện nay, tại Ngân hàng Chính sách xã hội có 61.951 tổ vay vốn do Hội LHPN quản lý, đã hỗ trợ cho 2.525 thành viên vay vốn, tổng dư nợ là 117.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tại Agribank có 10.175 tổ vay vốn do Hội LHPN quản lý, đã hỗ trợ cho 217.038 thành viên vay vốn với tổng dư hơn 30.000 tỉ đồng.

“Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân, phụ nữ chưa quan tâm, còn thiếu kiến thức cơ bản về sản phẩm tài chính, quản lý tài chính hay rủi ro liên quan đến sản phẩm tài chính, vẫn tồn tại tình trạng tín dụng đen… Những vấn đề này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ và người dân thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng một cách an toàn, hiệu quả” - bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Theo Đại sứ Singapore Jaya Ratnam, sau đại dịch COVID-19, sự tham gia của phụ nữ vào thị trường việc làm đã được ghi nhận sự gia tăng rõ rệt, ngày càng có nhiều phụ nữ muốn kiểm soát tương lai tài chính của mình. Một cuộc khảo sát của Fidelity năm 2022 cho thấy, kể từ năm 2020, số lượng phụ nữ cho biết họ quan tâm đến đầu tư đã tăng 50%. Một nghiên cứu khác của UBS cũng đưa ra kết luận tương tự, với 68% phụ nữ cho biết họ đang nói nhiều hơn về vấn đề tài chính trong gia đình.

Đại sứ Jaya Ratnam cho rằng Việt Nam cần có một hệ thống tài chính toàn diện và đa dạng hơn. Ngành tài chính nên đánh giá lại chuẩn mực giá trị của mình và tạo ra một hệ thống mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, hỗ trợ tối đa hơn cho chị em phụ nữ muốn phát triển, khẳng định bản thân.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI