80.000 chiếc áo vàng đã phủ kín khán đài Bukit Jalil, Thủ tướng Mahathir bin Mohamad và bộ trưởng trẻ tuổi Syed Saddiq có mặt cổ vũ đội nhà. Một đội tuyển Malaysia trong cơn hưng phấn lội ngược dòng loại bỏ Thái Lan ngay vòng bán kết, sở hữu lối chơi rắn, thậm chí thô bạo. Một huấn luyện viên Tan Cheng Hoe đầy tham vọng muốn viết một chương mới cho bóng đá Malaysia bằng Cheng Hoe ball - lối chơi bóng đá hiện đại với những đường chuyền ngắn tốc độ cao, kiểm soát bóng toàn diện.
Nhưng, bấy nhiêu đấy chưa đủ để Malaysia tạo lợi thế trên sân nhà. Hoặc nếu có, cái cách họ chơi bóng, không để lại mấy thiện cảm. Lăn xả, chịu va chạm là một chuyện. Nhưng liên tục phạm lỗi thô bạo, sau khi phạm lỗi lại cố tình tạo tiểu xảo, đánh lừa trọng tài. Có vẻ như, thay cho khát vọng chiến thắng của bất kỳ cuộc đọ sức thể thao nào, ở đây lại cho thấy vẻ háo thắng bởi sợ là người thua cuộc nhiều hơn.
Lời kết của bộ phim Ginga - tái hiện cuộc đời của huyền thoại bóng đá Pele, đã viết: “Với một số người, bóng đá đã trở nên vô hồn, nỗi sợ thua cuộc đã lấn át cả niềm đam mê chơi bóng”.
Và tối 11/12, ngay giữa chảo lửa Bukit Jalil, 11 cầu thủ áo đỏ, chuyên nghiệp và bản lĩnh, đã không mảy may nao núng hay chút sợ hãi nào để lấn át lối trình diễn gắn kết và kỹ thuật nhuần nhuyễn. Khán đài là của khán giả, bất kể là áo vàng hay áo đỏ thì họ là những người xứng đáng được phục vụ bằng một tinh thần thi đấu đẹp, một triết lý bóng đá thực dụng nhưng cũng hết sức cống hiến. Đó là điều mà huấn luyện viên Park Hang Seo đã truyền đi và xác lập tư thế thi đấu cho những chàng trai áo đỏ.
Họ tỉnh táo chủ động làm chậm lại nhịp chơi, không để cuốn vào cuộc bứt tốc của đối phương, triển khai những đợt pressing nhịp nhàng, hiệu quả. Bàn thắng đã đến từ những phối hợp đẹp như thế, từ những trái tim đầy đam mê và đôi chân quả cảm.
Huy Hùng là ẩn số của thầy Park trong trận đấu này, bao giờ ông cũng có sẵn những giáo án mới, dựa trên những sắp xếp lần đầu, khiến mọi kiến giải, phán đoán của đối phương dễ rơi vào việt vị. Đức Huy, cũng không có nhiều cơ hội đá chính. Nhưng cú lao về và xé lưới từ khoảng cách 25m là một tuyệt phẩm.
Điều đáng nói, hai bàn thắng của Huy Hùng và Đức Huy, lại in đậm dấu giày của Phan Văn Đức, vẫn là lối dẫn bóng về biên, khôn khéo đi qua các cửa hậu vệ để chuyền vào cho tuyến 2 băng lên dứt điểm.
|
Pha ghi bàn nâng tỷ số lên 2-0 của Đức Huy |
Một phát hiện tuy muộn, lại từ trợ lý J.Gede nhưng Đức là dấu ấn đẹp của mùa giải AFF 2018, cú xỏ kim thủ môn đội Philippines và bước xoay người thần thánh để ghi bàn trong trận gặp Campuchia đã cho thấy tài năng đa dạng, một tinh thần thi đấu tận tụy của Phan Văn Đức.
Cũng như người đồng đội Nguyễn Quang Hải, lầm lũi khắp mặt sân, hứng chịu nhiều pha cản phá thô bạo, chỉ để tổ chức những đường banh tinh tế, thông minh, phát động những pha tấn công quyết định.
Hai bàn thắng đẹp; và lối triển khai bóng hào hoa, hiện đại của Quang Hải, của Đoàn Văn Hậu cùng hàng rào chắn của Quế Ngọc Hải, Đình Trọng, cuối cùng lại đánh rơi chiến thắng sau khi đã tạo chiến tích, có sự tiếc nuối nhưng không thất vọng.
Hơn 90 phút thi đấu giữa biển người rền vang, giữa những pha càn lướt chen lẫn... càn quấy của đối phương, giữ một trận hòa đã là chiến thắng của thầy trò Park Hang Seo.
Hãy nhìn Hà Đức Chinh với vai trò bắn phá khu vực cấm địa, buộc đối phương phạm lỗi hơn là...người ghi bàn. Hãy chia sẻ cùng cầu thủ trẻ Tiến Linh, trong những cuộc tranh chấp khắc nghiệt với người Mã, kinh nghiệm là bài học mà Linh chưa có nhiều cơ hội. Hãy đặt mình trên sân cỏ trơn ướt, sức lực cạn kiệt, hàng thủ có phần lơ là, đã bị vô hiệu hóa hàng rào chắn cũng như để trống chỗ cho hậu vệ số 3, Shahrul nhảy cao đánh đầu ghi bàn.
Là trận bóng thôi mà, là một cuộc chơi thể thao thực thụ, vẻ đẹp đích thực của nó là mang lại sự phấn khích, niềm vui lẫn nuối tiếc nhưng trên hết là tinh thần lạc quan, là sự công bằng cuối cùng cho cả người thắng lẫn kẻ thua - đều rời sân cỏ, bỏ lại cầu trường một khoảnh khắc trỗi dậy của tinh thần, thể lực, của ý chí chiến đấu và khát khao chiến thắng.
Nó không cần một cuộc trình diễn màu mè, “góp phần” tạo ô nhiễm môi trường với 6.000 chiếc bao ni-lông dự tính rải trên sân vận động Mỹ Đình để tạo hiệu ứng cổ vũ.
Nó không nên là những cuộc xô xát, tỷ thí, giành giật đầy hung hãn, quá khích để có bằng được những tấm vé rao đi bán lại đội giá gấp mấy chục lần.
Nó lại càng không được để xảy ra những nghi ngờ gian lận, biển thủ vé của nhà tổ chức sân cỏ.
Bởi tất cả màn phô diễn xấu xí ấy chỉ có thể đến từ “nỗi sợ thua cuộc” - sợ không nổi trội, sợ không kịp tráo đổi, sợ mất đi cơ hội thu vét.
Trong khi, trên sân cỏ, trái bóng cứ lăn, những đôi chân Rồng đỏ cứ tung chạy, đêm lượt đi, giữa Bukit Jalil hay đêm lượt về, giữa Mỹ Đình, với họ và thầy Park cùng hàng triệu trái tim người Việt - chỉ biết đến “niềm đam mê chơi bóng”. Họ, không hề biết sợ, lại càng không biết sợ thua...
Ái Mỹ