Nhiều điều kiện thuận lợi
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Trả lời cho câu hỏi Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế chưa? Tôi khẳng định là đủ”. Theo ông, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức ấn tượng, ước tính 470 tỉ USD trong năm 2024, xếp hạng 33-34 thế giới, GDP bình quân đầu người xấp xỉ 4.600-4.700 USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, tạo tiền đề vững chắc cho những bước tiến đột phá.
Thêm vào đó, Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực trong việc tạo ra thể chế thông thoáng, hạ tầng đồng bộ và quản trị thông minh, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Thị trường chứng khoán cũng có sự bứt phá ngoạn mục với mức vốn hóa gần 7,2 triệu tỉ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, dẫn đầu khu vực.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam sáng 4/1 - ẢNH: NGỌC TRĂM |
Không chỉ vậy, Việt Nam còn sở hữu lợi thế vượt trội về hội nhập kinh tế quốc tế với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với hơn 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Quy mô xuất nhập khẩu đạt khoảng 800 tỉ USD, gấp 1,7 lần GDP, minh chứng cho độ mở và khả năng kết nối sâu rộng của nền kinh tế. Cuối cùng, sự ổn định chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, cùng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển là những yếu tố then chốt tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư. Về vị trí địa chính trị, Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực năng động và có múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Đây cũng là một lợi thế không thể bỏ qua.
“Xây dựng trung tâm tài chính là việc khó, mới và phức tạp. Do đó, việc này phải cần tất cả bộ, ngành trung ương phải đồng lòng và phải xác định đây không phải là việc riêng của TPHCM hay Đà Nẵng. Khó mấy cũng phải làm”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
TPHCM là địa phương được chọn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - cho rằng, đây là “niềm vui lớn”, “bước đi chiến lược” quan trọng nhưng cũng đánh giá đây là nhiệm vụ mới và đầy thách thức. Theo ông, đây là một lĩnh vực rất mới mẻ, đòi hỏi phải học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác và cần xây dựng khung pháp lý, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, để quản lý và phát triển trung tâm tài chính quốc tế, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu sâu về thị trường tài chính quốc tế, luật pháp và công nghệ tài chính tiên tiến. Trong khi đó, Việt Nam phải cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác trong khu vực và trên thế giới để thu hút vốn và nhân tài. Ngoài ra, cần quản lý tốt rủi ro, đảm bảo an ninh mạng và ngăn chặn các hoạt động tài chính bất hợp pháp.
Theo ông, để vượt qua những thách thức này, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt từ tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân. Hiện TPHCM đã thành lập ban chỉ đạo địa phương để điều phối công tác tổ chức thực hiện dự án; nghiên cứu quy hoạch khu vực đặt trung tâm tài chính, xem xét mở rộng quy hoạch gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm để đảm bảo không gian phát triển đồng bộ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút sự đầu tư; bố trí và huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế.
Ngoài hoạt động tài chính truyền thống, trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM còn hướng tới mô hình kinh tế xanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn và dịch vụ tài chính cần thiết để phát triển. Ông nói: “Đảng bộ, chính quyền TPHCM cam kết quyết tâm hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế”.
Không ít trở ngại, thách thức
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc xây dựng thị trường vốn và tiền tệ ở các trung tâm tài chính quốc tế mới nổi khó và phức tạp do sức ép cạnh tranh từ các trung tâm tài chính đã phát triển khác.
|
TPHCM có nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng lớn để hình thành trung tâm tài chính quốc tế (Ảnh: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM) |
Theo bà, dù có sự phát triển nhanh nhưng quy mô thị trường vốn của Việt Nam còn nhỏ so với tiềm năng và so với các nước trong khu vực. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển chưa đồng đều, chưa là công cụ vốn dài hạn tốt bởi các doanh nghiệp chủ yếu phát hành trái phiếu riêng lẻ, tỉ lệ phát hành ra công chúng còn thấp do rào cản thủ tục mà “nhanh nhất là nửa năm, chậm nhất là 1 năm”. Hệ thống nhà đầu tư trên thị trường vốn đã có sự cải thiện nhưng sự phát triển của các nhà đầu tư dài hạn còn hạn chế. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm số lượng lớn và phần đông chưa có tiềm lực mạnh về tài chính, chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về đầu tư.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - hạ tầng số đóng vai trò nền tảng then chốt khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm tần số, cáp quang quốc tế, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và an ninh mạng. Trong đó, an ninh mạng được xem là yếu tố tiên quyết, cần được ưu tiên hàng đầu bởi trung tâm tài chính là nơi tập trung dữ liệu và giao dịch tài chính trọng yếu nên cũng trở thành mục tiêu hàng đầu của tội phạm mạng.
Ông Richard McClellan - Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair (TBI, Vương quốc Anh) - cho rằng, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là một dự án phức tạp. Để làm được, bên cạnh sự cam kết về chính trị của toàn hệ thống, còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, thu hút đầu tư, cần sự phát triển nguồn nhân lực và truyền thông hiệu quả. Ông cho rằng, việc thu hút đầu tư từ nước ngoài lẫn trong nước là yếu tố quan trọng để trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, cần học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính thành công trên thế giới, như Abu Dhabi, Dubai, Hồng Kông, Thượng Hải và New York, nhưng việc áp dụng cần linh hoạt để phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, khung pháp lý đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và vận hành trung tâm tài chính quốc tế. Thách thức lớn trong việc xây dựng khung pháp lý cho mô hình trung tâm tài chính quốc tế là để dòng vốn luân chuyển tự do, trong khi Việt Nam chưa có lộ trình cho dòng vốn này.
Cần cải thiện năng lực xử lý điện toán đám mây Trong năm 2024, các cơ quan chức năng đã giúp 1,3 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng; xử lý 8.558 website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang đầu tư, tăng ngân sách cho an ninh mạng (tăng 30% so với năm trước); có hơn 70% tổ chức lớn đã có kế hoạch triển khai giải pháp an ninh mạng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện tại, Việt Nam được đánh giá cao về năng lực an ninh mạng, với vị trí 17 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Việt Nam đặt mục tiêu xếp hạng trong tốp 10 thế giới về an toàn, an ninh mạng vào năm 2030. Đạt được mục tiêu này là thách thức không nhỏ khi số lượng và mức độ phức tạp của các cuộc tấn công mạng trong những năm gần đây đều tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước với các phương thức tấn công ngày càng tinh vi. Điện toán đám mây là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng số hiện đại, có khả năng đáp ứng nhu cầu bảo mật và đảm bảo an ninh mạng. Tuy nhiên, năng lực xử lý điện toán đám mây của Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực, kém Thái Lan 3 lần và Singapore 130 lần. Để cải thiện tình hình nhanh, rút ngắn khoảng cách với các nước, cần phải kêu gọi, thu hút sự đầu tư, đặc biệt là từ các công ty công nghệ lớn (big tech). Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông |
Trang Nguyễn - Thanh Hoa