Việt Nam đối diện với đòn thuế từ Mỹ nếu cứ để hàng Trung Quốc 'quá cảnh'

17/07/2019 - 06:59

PNO - Một số loại thép mạ màu bị áp thuế chống gian lận xuất xứ mới đây giống như sự nhắc nhở, sẽ còn nhiều mặt hàng bị áp thuế nặng hơn nếu Việt Nam không quản lý nghiêm vấn đề nguồn gốc hàng hóa.

Việt Nam trong "vòng xoáy" cuộc chiến Mỹ - Trung

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc (TQ) và Mỹ tác động ngay lập tức đến một loạt khía cạnh kinh tế của Việt Nam. Đầu tiên là tỷ giá, khi đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá so với đồng đô la Mỹ (USD), trong khi đồng Việt Nam (VNĐ) lại không mất giá tương ứng USD thì VNĐ sẽ tăng giá so với NDT và đó là nguyên nhân đẩy lượng hàng TQ nhập khẩu vào Việt Nam tăng và làm hạn chế lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang TQ.

Bên cạnh đó, một số hàng hóa của TQ trước đây xuất sang Mỹ chịu thuế thấp, bây giờ phải chịu thuế suất trừng phạt nên TQ tìm đường đưa hàng sang Mỹ bằng cách khác. Nghi vấn đang đặt ra ở một số nhóm hàng tăng trưởng đột biến về xuất khẩu từ TQ sang Việt Nam và xuất khẩu đột biến từ Việt Nam sang Mỹ, cụ thể như hàng điện tử, nội thất. 

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu nội thất từ TQ về Việt Nam tăng 35,1%, trong khi xuất khẩu nội thất từ Việt Nam sang Mỹ tăng 35%; nhập khẩu hàng điện tử từ TQ tăng 81%, xuất khẩu hàng điện tử sang Mỹ tăng 72%. 

Viet Nam doi dien voi don thue tu My neu cu de hang Trung Quoc 'qua canh'
Để tận dụng được cơ hội từ cuộc chiến Mỹ - Trung và EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực và tăng giá trị sản phẩm "made by Vietnam"

Đây không phải ngẫu nhiên. Bộ Thương mại Mỹ sẽ vào cuộc để xem chuyện gì xảy ra. Đồng thời, Việt Nam cần có đối thoại thẳng thắn với chính quyền Mỹ và TQ để không bị lặp lại bài học đau đớn của thép; cần phải có biện pháp rõ ràng để ngăn chặn dịch chuyển và quá cảnh xuất khẩu từ TQ sang Việt Nam; đảm bảo hai bên nhận thức rõ vấn đề, có những chính sách tránh gây rủi ro cho Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam tuy nằm trong nhóm “có vấn đề” nhưng chưa rơi vào tầm ngắm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, về ngắn hạn, Việt Nam sẽ tăng xuất khẩu sang Mỹ nhưng sẽ không đột biến; đồng thời, giảm xuất khẩu và tăng nhập khẩu từ TQ, bao gồm cả hàng quá cảnh. 

"Về tác động trung hạn, lợi ích lớn nhất là Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư từ TQ sang, không chỉ có thêm một nhà máy dệt may, một nhà máy da giày mà quan trọng nhất là chúng ta phải tìm cách chuyển được một số chuỗi cung ứng từ TQ sang Việt Nam” - tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận xét về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trong cuộc chiến này, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước có lợi, như Malaysia, Indonesia, Bangladesh… Nếu năng lực cạnh tranh của Việt Nam không bằng thì các nước này sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa đủ năng lực, sẽ không tận dụng được cơ hội tối đa. 

Chính sách nhà nước cũng chưa thực sự có những hỗ trợ cần thiết tạo thuận lợi, giảm chi phí kinh doanh cho các DN, như chi phí về logistics (vận chuyển) chiếm tỷ trọng lớn nên hàng Việt Nam dù có rẻ thì khi sang tới Mỹ hay các nước khác, giá vẫn cao. Vì vậy, Việt Nam phải nâng cao năng lực nội địa, năng lực DN, cải thiện quản trị quốc gia để không chỉ tận dụng cơ hội này mà còn tận dụng nhiều cơ hội khác.

Cũng theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, luật pháp cần có những chính sách để thi hành, theo dõi, giám sát và đảm bảo quá trình hàng TQ quá cảnh tại Việt Nam không tạo ra những thay đổi đáng kể để phân loại thành hàng hóa khác, được công nhận là hàng có xuất xứ Việt Nam. Việt Nam phải chuẩn bị, tăng cường giám sát từ trước, không đợi đến khi bị Mỹ tuýt còi.

Cần có sản phẩm “made by VietNam”

Tại hội thảo “Từ thương chiến Mỹ - Trung đến EVFTA: DN Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?” do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng câu lạc bộ DN dẫn đầu (LBC) tổ chức sáng 16/7 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên tranh thủ các lợi thế đang mở ra để thực hiện công cuộc đổi mới lần hai, nhằm tiến nhanh và xa hơn. Quan trọng nhất là phải có các sản phẩm do Việt Nam sản xuất “made by Vietnam” chứ không phải sản xuất tại Việt Nam “made in Vietnam” như hiện nay.

Viet Nam doi dien voi don thue tu My neu cu de hang Trung Quoc 'qua canh'
Doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ thông tin chính xác về nguồn gốc chất lượng sản phẩm

Ông Nestor Sherbey - chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA) - cảnh báo một số rủi ro mà DN Việt Nam nên thận trọng. Hải quan Hoa Kỳ không quan tâm đến chứng nhận của Việt Nam hay chấp nhận hồ sơ do DN nộp cho họ mà họ sẽ tự kiểm tra, đánh giá và sàng lọc.

Vì vậy, DN phải chuẩn bị đầy đủ thông tin chính xác về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm; nếu không, sẽ bị trừng phạt nặng nề trong trường hợp hàng tạm nhập, tái xuất. Hàng hóa của ai không hẳn là xuất xứ từ đó, DN Việt Nam nên đăng ký trước để chứng minh hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ đúng là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để giảm bớt rủi ro khi hải quan Mỹ kiểm tra.

Bà Magdalena Krakowiak - Phó chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại Việt Nam - cũng nhấn mạnh, hiện dệt may Việt Nam đang gặp thách thức. DN Việt Nam cần cải thiện, nâng cấp chuỗi cung ứng đảm bảo vải, nguyên liệu, các công đoạn đều do Việt Nam tự sản xuất. 

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu thực hiện công đoạn cắt, may bằng vải nhập nên sản phẩm khó đảm bảo xuất xứ Việt Nam. Bên cạnh đó, cần nâng cấp hệ thống logistics, vận tải và tập trung vào vấn đề người lao động. Những người lao động tay chân, thủ công cần được đào tạo bài bản để tăng khả năng cạnh tranh, tăng chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cho DN.

“Đối với sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng châu Âu có xu hướng chuộng thực phẩm đông lạnh, rã đông xong dùng ngay mà không phải qua chế biến cầu kỳ. Họ thích sản phẩm hữu cơ, lành mạnh, bảo vệ môi trường. DN Việt Nam nếu nắm bắt, sản xuất được những sản phẩm thực phẩm theo tiêu chí trên, sẽ xuất khẩu hiệu quả” - bà Magdalena Krakowiak cho biết thêm.

Đại diện nhiều DN Việt Nam cho rằng, người TQ làm ăn kiểu bất chấp, không có trách nhiệm với đối tác nên DN Việt Nam có nguy cơ gặp rủi ro khi hợp tác với họ. Ông Nguyễn Lân Khải - Tổng giám đốc Công ty Giải pháp vật tư Donar - cho biết thêm, DN Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng phần lớn đi theo đường gia công, chỉ xuất khẩu qua một đầu mối lớn và khó xuất khẩu sản phẩm trực tiếp để tạo được thương hiệu riêng cho mình.

Đồng tình, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng, DN Việt Nam ra nước ngoài làm ăn bị thiếu hậu phương vững chắc và chưa tận dụng được cơ hội làm ăn với TQ do tâm lý nghi kỵ. Hiện nay, TQ xuất sang Việt Nam đủ mọi loại sản phẩm, đặc biệt là hàng dệt may trong khi Việt Nam chỉ xuất khẩu nhỏ lẻ một số mặt hàng sang TQ.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao - cho rằng, thị trường tiêu dùng của TQ rất lớn và gần Việt Nam. DN Việt Nam nên tận dụng xuất khẩu sang TQ thay vì coi TQ là đối thủ chính trị. Giao thương với TQ khó khăn nhưng nếu chúng ta không tận dụng thì rất uổng.

Theo ông Nestor Sherbey, DN Việt Nam nên tận dụng các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba… để tiếp cận thị trường nước ngoài với điều kiện là DN phải làm sản phẩm tốt, chất lượng cao và phải chứng minh được sản phẩm đảm bảo an toàn, cung cấp thông tin chi tiết về thử nghiệm, công bố chất lượng sản phẩm… Những công ty đi theo đúng quy trình, quy định, sẽ xuất khẩu thành công; DN nào chọn đường tắt, bỏ qua một số công đoạn bắt buộc, sẽ không thể “lọt cửa” kiểm soát khi xuất khẩu. 

Bà Magdalena Krakowiak cũng cho rằng, thay vì cạnh tranh về giá cả, DN Việt Nam nên nâng cao giá trị sản phẩm, đi vào thị trường ngách, sản xuất những sản phẩm đặc trưng riêng để bớt cạnh tranh hơn. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI