Việt Nam - điểm đến của công nghiệp bán dẫn thế giới

09/04/2024 - 17:11

PNO - Sau khi trở thành nhân tố chủ chốt tại khu vực Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng của một số ngành, Việt Nam tiếp tục có các kế hoạch đầy tham vọng nhằm vượt lên bứt phá trong ngành bán dẫn, với sự ủng hộ từ nhiều đối tác quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng cao

Theo số liệu từ Tổ chức Thống kê thương mại chất bán dẫn thế giới (WSTS), ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực chiến lược và sinh lợi nhất trong nền kinh tế toàn cầu, với giá trị thị trường trên 574 tỉ USD vào năm 2022, dự kiến tăng lên hơn 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Chất bán dẫn cần thiết cho các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy tính cho đến ô tô và thiết bị y tế. Nhu cầu về linh kiện bán dẫn ngày càng cao do xu hướng số hóa, áp dụng điện toán đám mây, thu nhỏ vi mạch (chip) và các tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI). Với lĩnh vực xe điện, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm năng lượng cũng như hệ thống năng lượng tái tạo để quản lý điện hiệu quả.

Dây chuyền  sản xuất tại  Công ty Samsung  Electronics Việt Nam Thái Nguyên - Nguồn ảnh:  thainguyen.gov.vn
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - Nguồn ảnh: thainguyen.gov.vn

Trong bối cảnh thế giới khôi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất bán dẫn tiềm năng tại châu Á. Trong thập niên qua, ngành bán dẫn Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Trang thống kê Statista (Đức) báo cáo tốc độ tăng trưởng kép hằng năm của ngành bán dẫn Việt Nam là 7,1% (giai đoạn 2016-2021), đẩy giá trị thị trường lên hơn 18,2 tỉ USD vào năm 2022. Các dự báo cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng dự kiến 7,5% trong giai đoạn 2022-2027 với giá trị hơn 26,2 tỉ USD vào năm 2027.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quan sát sự phức tạp kinh tế (OEC) - một trang web trực quan hóa dữ liệu thương mại quốc tế thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ - Việt Nam hiện nằm trong tốp 10 nước xuất khẩu thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp thế giới. Vào tháng 2/2023, xuất khẩu chip từ Việt Nam sang Mỹ đạt 562 triệu con, tương ứng 11,6% mức nhập khẩu vi mạch của Mỹ, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng đối với thị trường bán dẫn Mỹ. Điều này đặc biệt quan trọng khi các nhà sản xuất chip của Mỹ nắm giữ 48% thị phần sản xuất toàn cầu và đang tìm cách né tránh căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Chia sẻ về khả năng tăng trưởng của ngành bán dẫn trong cuộc tọa đàm cùng Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại thủ đô Washington, Mỹ vào ngày 4/4, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) John Neffer nói: “Chúng tôi rất tin tưởng vào sự thành công của công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và hy vọng sẽ có sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này”.

Môi trường đầu tư và chính sách thuận lợi

Ông John Neffer đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Các chính sách thân thiện với công nghệ của chính phủ đưa ra các ưu đãi cao cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm miễn và giảm thuế. Vào năm 2022, Việt Nam giới thiệu các ưu đãi tùy chỉnh, đặc biệt là thu hút khoản đầu tư 850 triệu USD của Samsung Electronics, đánh dấu tổng mức đầu tư trị giá 2,6 tỉ USD cho hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở tỉnh Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, Công ty Hana Micron (Hàn Quốc) và một số công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ như Amkor Technology, Synopsys, Marvell cũng được kỳ vọng sẽ bơm hàng tỉ USD vào ngành bán dẫn của Việt Nam. Trong chuyến thăm Hà Nội vào đầu tháng 12/2023, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ Nvidia ông Jensen Huang đã cam kết mở rộng quan hệ đối tác với các công ty địa phương và thành lập cơ sở sản xuất. Nvidia - có vốn hóa thị trường vượt 2.000 tỉ USD - thông tin đã đầu tư 12 triệu USD vào Việt Nam. Việc tạo ra một con chip mất khoảng 4-6 tháng, gồm hơn 500 bước riêng biệt, có thể được chia thành 3 lĩnh vực: thiết kế; chế tạo; lắp ráp, kiểm tra, và đóng gói (ATP). Việt Nam đã tạo được chỗ đứng ở khâu lắp ráp cuối cùng trong quy trình sản xuất, bổ sung thêm 6% vào chuỗi giá trị. Chính phủ đã công bố kế hoạch hoàn thành nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2030.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin - gần 500.000 kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam sẵn sàng chuyển sang ngành AI, bán dẫn. Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn vào năm 2030.

Ông Jose Fernandez - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế - nhận định: sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ tham gia thị trường bán dẫn tại Việt Nam nếu có đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng các mục tiêu xanh của họ.

Tấn Vĩ (theo Al Jazeera,ARC Group, Nikkei Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI