Việt Nam ‘đi trước’ về thử nghiệm vắc-xin phòng sốt xuất huyết

03/11/2014 - 18:19

PNO - PNO – Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Việt Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện việc đưa vắc-xin SXH vào thử nghiệm giai đoạn 3, tức là đã “đi trước một bước” so với các quốc gia cùng tham gia nghiên cứu...

Ngày 3/11, Viện Pasteur TP.HCM tổ chức hội thảo “Hiệu quả vắc-xin ngừa sốt xuất huyết (SXH) Dengue và ý nghĩa thực tiễn cho cộng đồng”.

PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vắc-xin SXH tại Việt Nam của Viện Pasteur TP.HCM - cho rằng, kết quả nghiên cứu đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử phòng chống SXH Dengue trên thế giới vì lần đầu tiên nhân loại phát minh ra vắc-xin ngừa được SXH và chứng minh được rằng, SXH Dengue hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.

Viet Nam ‘di truoc’ ve thu nghiem vac-xin phong sot xuat huyet

Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, mỗi năm trên thế giới, ước tính có khoảng 50 triệu người nhiễm Dengue với khoảng 500.000 người mắc bệnh cần nhập viện, khoảng 25.000 người tử vong. Đến nay, trên thế giới đã có 3 tỷ trường hợp bị SXH.

Tại Việt Nam, theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 94.000 trường hợp mắc bệnh SXH và gần 90 trường hợp tử vong. Trong tổng số ca mắc bệnh SXH tại Việt Nam, trẻ em chiếm tỷ lệ từ 60 - 70%.

Trong khi đó, hiện SXH vẫn là căn bệnh nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị, các biện pháp phòng chống lây truyền qua véc-tơ gây bệnh (diệt muỗi, lăng quăng) hay vệ sinh môi trường cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Do đó, năm 2011, được sự đồng ý của Bộ Y tế, Công ty Sanofi Pasteur đã đưa vắc-xin ngừa SXH Dengue vào thử nghiệm giai đoạn III nhằm xác định hiệu quả ngừa bệnh SXH Dengue của vắc-xin. Đây là nghiên cứu có đối chứng trên 10.275 trẻ em từ 2 - 14 tuổi, sống ở 5 quốc gia lưu hành dịch SXH bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.

Tại Việt Nam, nghiên cứu do Viện Pasteur thực hiện tại TP. Long Xuyên và TP. Mỹ Tho với 2.336 trẻ tham gia nghiên cứu, triển khai từ tháng 9/2011. Trẻ tham gia nghiên cứu được phân ngẫu nhiên vào 2 nhóm tiêm vắc-xin SXH hoặc tiêm giả dược, với 3 mũi tiêm cách nhau 6 tháng.

Theo PGS.TS.BS Trần Ngọc Hữu, sau 3 mũi tiêm, kết quả nghiên cứu chung của 5 quốc gia cho thấy: bên cạnh tỷ lệ miễn dịch SXH do vắc-xin đạt 56,5% thì tỷ lệ ca SXH thể nặng đã giảm được 88,5% (trong số ca mắc SXH) và nhờ đó, nguy cơ nhập viện ở các bệnh nhân mắc SXH cũng giảm được 67%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tính an toàn sinh giữa 2 nhóm tiêm vắc-xin và giả dược là tương đương nhau và tương tự các nghiên cứu ở giai đoạn trước đó.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, Việt Nam là đơn vị đầu tiên thực hiện việc đưa vắc-xin SXH vào thử nghiệm giai đoạn 3, tức là đã “đi trước một bước” so với các quốc gia cùng tham gia nghiên cứu vắc-xin SXH. Quá trình nghiên cứu thử nghiệm diễn ra khá thuận lợi, cho hiệu quả khá tốt (kể cả trên người lớn), song cũng còn một chút khó khăn là hiệu quả của vắc-xin SXH đối với chủng D2 còn chưa cao và hiệu quả trên trẻ nhỏ từ 2 - 5 tuổi cũng còn thấp. Tuy nhiên, nghiên cứu này sẽ tiếp tục được thực hiện tới 3 năm nữa (11/2017) để theo dõi tính an toàn của vắc-xin.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá nghiên cứu này: "Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng luôn mong muốn có vắc-xin phòng bệnh cho người dân. Vì vậy, nghiên cứu này không phải là của một quốc gia mà là nghiên cứu quốc tế. Việc nghiên cứu thử nghiệm tuân thủ chặt chẽ các quy định của quốc tế và pháp luật Việt Nam. Nhìn chung, chúng ta đang tiến dần đến việc cho ra đời vắc-xin phòng bệnh SXH. Việc ra đời một loại vắc-xin ngừa bệnh SXH Dengue kết hợp với các biện pháp dự phòng và quản lý nguồn lây sẽ giúp cho cuộc chiến đấu chống lại SXH có hiệu quả triệt để hơn, giúp mang lại những lợi ích to lớn cho ngành y tế và để bảo vệ trẻ em an toàn, khỏe mạnh”.

TIẾN ĐẠT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI