Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 xếp hạng 31 - 33 về quy mô GDP trên thế giới

21/10/2024 - 11:45

PNO - Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những điểm sáng kinh tế trong 9 tháng đầu năm
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những "điểm sáng" kinh tế trong 9 tháng đầu năm - ảnh: QH

“Tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước”

Sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Theo đó, tình hình kinh tế xã hội “tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước”. 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỉ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỉ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỉ USD...

Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng tốt. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.

Thời gian qua, các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỉ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.

Chính phủ đã cấp trên 432 tấn gạo, hỗ trợ khẩn cấp 430 tỷ đồng cho địa phương và đang rà soát tổng thể thiệt hại để tiếp tục hỗ trợ; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động và tiếp nhận trên 2,15 nghìn tỉ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Phấn đấu GDP năm 2024 đạt trên 7%

Bên cạnh những kết quả đạt, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn. Trong 9 tháng, có 163,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5%.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây… Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển.

Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Sạt lở, ngập úng, sụt lún, khô hạn, ùn tắc, tai nạn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải... vẫn là thách thức lớn. Thiên tai, bão lũ… diễn biến khó lường.

Trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; đẩy mạnh phòng, chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn...

“Tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách Nhà nước tăng trên 10%; tỉ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch”, Thủ tướng Chính phủ nói.

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP.

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 - 5,4%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI