Việt Nam đang thất thu thuế thương mại điện tử

19/03/2018 - 17:00

PNO - Thương mại điện tử tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng từ 20-30%/năm, nhưng lĩnh vực này lại đang bị thất thu thuế vì… rất khó thu,...

Đó là khẳng định của bà Mạnh Thị Tuyết Mai - Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Vụ Chính sách của Tổng cục thuế - tại diễn đàn “Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2018” diễn ra ngày 16/3 tại TP.HCM.

Bà Mai cho biết, hiện cơ quan thuế rất khó xác định chính xác doanh thu, nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp (DN) ở một số ngành nghề. Cụ thể, rất khó xác định nghĩa vụ thuế đối với DN kinh doanh tiền ảo, tiền điện tử... vì hình thức kinh doanh này chưa có mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.

Viet Nam dang that thu thue thuong mai dien tu
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng từ 20-30%/năm, nhưng lĩnh vực này lại đang bị thất thu thuế vì… rất khó thu. Ảnh minh họa.

Đồng thời, một số DN đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử nhưng lại chưa có hệ thống kết nối giữa hóa đơn điện tử với cơ quan thuế; hoặc một số DN mua hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức nước ngoài nhưng không kê khai nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài nên khó xác định thuế, dẫn đến thất thu thuế. 

Đáng nói hơn, ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân bán hàng hoặc đăng quảng cáo bán hàng trên các website đang chuyển mạnh sang bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo).

Khi bán hàng, các đơn vị này không xuất hóa đơn hoặc giao hàng, thanh toán theo kênh riêng như “ship code” (giao hàng, nhận tiền mặt) và chưa kê khai đầy đủ doanh thu cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong việc xác định các giao dịch để đánh thuế vì việc xác định rõ ràng mỗi hoạt động là cơ sở để áp mức thuế tương ứng, phù hợp. 

Trước những khó khăn trên, Tổng cục Thuế cho rằng, cần điều chỉnh một số quy định của các luật thuế thu nhập DN, thu nhập cá nhân, quản lý thuế… nhằm tạo khung pháp lý để áp thuế và phù hợp thông lệ quốc tế.

Cụ thể, cần triển khai sớm và triệt để đề án hóa đơn điện tử để khuyến khích 100% DN sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế; Bộ Giao thông Vận tải cũng cần xác định rõ loại hình kinh doanh của các hình thức thương mại điện tử kiểu như hoạt động của taxi công nghệ (Uber, Grab). 

Đặc biệt, để tránh thất thoát thuế, Tổng cục Thuế cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý các giao dịch thanh toán qua ngân hàng thương mại. Cụ thể, với các tổ chức bán hàng, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài bán hàng tại Việt Nam, ngân hàng phải khấu trừ nộp thuế trước khi trả tiền cho họ.

Đồng thời, đối với giao dịch xuyên biên giới, việc mua bán cần phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa của Trung tâm Nam Bắc để trên cơ sở đó cơ quan thuế xác định doanh thu. Ngoài ra, khi các tổ chức nước ngoài như Facebook, Google đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam thì văn phòng đại diện phải có trách nhiệm kê khai nộp thuế nhà thầu nếu có hộ kinh doanh qua mạng.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, DN phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Trường hợp DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng, có thể lựa chọn nộp thuế trực tiếp trên doanh thu; trường hợp DN có doanh thu trên 1 tỷ đồng, được kê khai nộp thuế theo phương pháp giá trị gia tăng (phương pháp khấu trừ và nộp thuế thu nhập DN bằng cách kê khai, lấy doanh thu trừ đi chi phí và nhân thuế suất 20%.

Trường hợp các tổ chức nước ngoài kinh doanh và có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì phải nộp thuế nhà thầu. Đối với hộ cá thể, cá nhân kinh doanh (chủ yếu trên mạng Zalo, Facebook), nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải có nghĩa vụ kê khai nộp thuế giá trị gia tăng và nộp thuế thu nhập cá nhân. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI