Việt Nam đang giải bài toán khống chế dịch bệnh, tái mở cửa nền kinh tế

08/09/2021 - 06:35

PNO - Khi COVID-19 đến Việt Nam vào tháng 1/2020, chính sách đối phó “chống dịch như chống giặc” được dư luận quốc tế xem là một trong những chính sách ngăn chặn thành công nhất trên thế giới. Tuy nhiên, mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn khi biến thể vi-rút mới lây lan mạnh xuất hiện.

Nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh 

Hệ thống kiểm dịch nghiêm ngặt cùng chiến lược truy vết thần tốc đã giúp Việt Nam xác định các ca bệnh tại địa phương và dập tắt mọi đợt bùng phát trong năm 2020. Thành công của Việt Nam trong việc khôi phục hoạt động kinh doanh trở lại như bình thường đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong vài tháng qua, biến thể Delta dễ lây lan đã đưa số ca nhiễm tại Việt Nam vượt mức hơn 10.000 ca mỗi ngày, buộc một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu châu Á phải xem xét các chính sách ứng phó mới phù hợp hơn. 

Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang nỗ lực giữ vững sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân - ẢNH: THANH HOA
Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang nỗ lực giữ vững sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân - Ảnh: Thanh Hoa

Theo Nikkei Asia, đợt bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở TPHCM, một trung tâm sản xuất kinh doanh lớn nhất cả nước. Các thương hiệu quốc tế bao gồm Nike và Adidas đã bị gián đoạn hoạt động, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Toyota cũng  thông báo ngừng sản xuất trên 27 dây chuyền tại 14 nhà máy ở Nhật Bản vì tình trạng thiếu các bộ phận được sản xuất ở Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam và Malaysia. 

Theo Bloomberg, chỉ số quản lý mua hàng mới nhất trong tháng Tám của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Trong số 53 quốc gia thuộc bảng xếp hạng khả năng phục hồi của Bloomberg, năm quốc gia cuối cùng đều ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm quốc gia này cung cấp khoảng 6% xuất khẩu toàn cầu, bao gồm hàng hóa đầu vào quan trọng cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới, chiếm một nửa lượng hàng nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ theo ước tính từ công ty phân tích thị trường Natixis (Pháp). Vì vậy, đại dịch không chỉ là cuộc khủng hoảng đối với Việt Nam. 

Thích nghi với trạng thái “bình thường mới”

Tại Úc, Thủ tướng Scott Morrison đang thúc đẩy kế hoạch chấm dứt tình trạng đóng cửa và mở cửa trở lại nền kinh tế. Thái Lan và Indonesia cũng bắt đầu gỡ bỏ vài hạn chế và dần đưa cuộc sống lại bình thường.

Quay trở lại Việt Nam, tăng cường tốc độ tiêm chủng và từng bước mở cửa nền kinh tế chính là giải pháp. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Việt Nam có thể kiềm chế cuộc khủng hoảng đủ nhanh để hạn chế tối thiểu thiệt hại của nền kinh tế. Điều khả quan là Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2021. Theo tờ The Star (Malaysia), kim ngạch thương mại song phương giữa Campuchia và Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong bảy tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái và vượt mốc 6 tỷ USD.

Trong khi đó, giữa tháng Tám, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings khẳng định nền kinh tế Việt Nam vẫn nằm ở mức tín dụng an toàn “BB”. Mặc dù đại dịch gây ra những rủi ro nhưng Fitch dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt trung bình 6% vào năm 2021 và kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2021 là mạnh nhất trong số các quốc gia được xếp hạng ở ASEAN. 

Tính hội nhập với nền sản xuất toàn cầu đã giữ cho nền kinh tế Việt Nam ổn định trong thời kỳ đại dịch. Năm 2020, GDP quốc gia tăng 2,9% ngay cả khi hầu hết các nước trên thế giới đều ghi nhận mức suy thoái sâu. Mặc cho đợt bùng phát mới nhất, các chuyên gia đánh giá năm nay, tổng mức tăng trưởng của Việt Nam có thể còn cao hơn. Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/8 cho thấy, mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 4,8% vào năm 2021. Thực tế, lượng xuất khẩu hàng hóa bảy tháng đầu năm 2021 tăng 26,2% so với cùng kỳ và việc một số nhà máy sản xuất xuất khẩu bị gián đoạn do đợt bùng phát gần đây chỉ là tạm thời. 

Đáng chú ý, một rủi ro đối với xuất khẩu dường như đã được giải quyết vào tháng Bảy khi Mỹ thông báo đạt được thỏa thuận về các chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Bên cạnh đó, chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris và lời đề nghị nâng tầm quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược toàn diện” cho thấy vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, Nga cũng cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin trong năm 2021, kết hợp cùng các lô vắc xin được chuyển đến theo sáng kiến COVAX và những khoản viện trợ khác, tốc độ tiêm chủng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trở lại trong những tháng tới, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng hợp lý để dần tái mở cửa nền kinh tế. 

Linh La 

(theo Reuters, Bloomberg, Nikkei Asia, Guardian, FT, Fitch Ratings)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI