Việt Nam đã chuẩn bị gì cho thời điểm 'đỉnh' dịch virus corona bùng phát?

05/02/2020 - 17:10

PNO - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị rất kĩ trong tình huống xấu nhất khi dịch bệnh bùng phát như giường bệnh, vật tư y tế...

Chiều ngày 5/2, Bộ Y tế đã tổ chức buổi họp báo lần thứ 2 để công bố, giải đáp về dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra. Mở đầu buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết phía Trung Quốc đang rất hy vọng vào các giải pháp đã đưa ra, ca nhiễm bệnh đang giảm dần, số người được chữa khỏi đang tăng lên.

Ông Long cũng cho biết, hiện nay có nhiều người đang hiểu nhầm về phát ngôn vào ngày 4/2 của Bộ Y tế tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Thực tế, thông tin trong 7-10 ngày tới dịch bệnh sẽ lên đến "đỉnh" bùng phát là tình trạng của Trung Quốc, do các nhà khoa học nhận định. 

Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, phía Việt Nam cũng đã có chuẩn bị rất kĩ càng với nhiều phương án trong tình huống xấu nhất khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam. Cụ thể, Bộ Y tế đã chuẩn bị dự trữ 3.000 giường bệnh tại các bệnh viện tuyến cuối, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn 2.000 giường bệnh. Ngoài ra trong trường hợp cần thiết, có thể dồn bệnh nhân sang một bệnh viện, trưng dụng nguyên một bệnh viện để tiến hành cách ly hoặc sử dụng các nhà mới xây để làm khu điều trị.

Toàn cảnh cuộc họp báo
Toàn cảnh cuộc họp báo

"Đó là lý do chúng ta không xây bệnh viện dã chiến, bởi chúng ta sử dụng các cơ sở sẵn có. Chúng ta đã dự phòng lây nhiễm rất chặt chẽ, áp dụng các phương thức điều trị mới. Phác đồ điều trị của Việt Nam rất thành công. Các địa phương cũng đã chuẩn bị phương án điều trị phù hợp nhất, chúng ta không nên quá hoang mang", ông Long nói.

Ngoài ra, ngành y tế Việt Nam cũng đã chuẩn bị khoảng 1.000 máy thở để điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng sử dụng máy thở để điều trị.

Các trường hợp bệnh được phân chia theo mức độ nặng - nhẹ, đầu tiên là điều trị triệu chứng, thứ hai là thở ô xy và cuối cùng mới sử dụng máy thở. Trong 10 trường hợp nhiễm bệnh tại Việt Nam chưa trường hợp nào cần sử dụng máy thở, chỉ duy nhất trường hợp một người Trung Quốc do có nhiều bệnh đi kèm nên cần thở ô xy.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trước mắt Việt Nam vẫn đang tập trung vào việc khoanh vùng, phòng dịch bệnh với các chỉ đạo rất sát của Chính phủ, Bộ Chính trị. Hiện tại có khoảng 900 trường hợp được cách ly từ các tỉnh biên giới, hầu hết là người Việt Nam. 

Ngoài ra, lực lượng biên phòng ở biên giới cũng tăng cường, hiện tại là 1.400 người để kiểm soát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Các chuyến bay cũng được dừng hoạt động, chỉ có một vài tuyến chở người Việt Nam về nước, không có người nhập cảnh.

Buổi họp báo được báo chí rất quan tâm.
Buổi họp báo được báo chí rất quan tâm

"Từ 12 giờ trưa nay, các cửa khẩu, hàng không đều không nhận người đi cũng như đến từ Trung Quốc. Cá nhân đi từ tỉnh Hồ Bắc về thì phải cách ly tập trung, nhưng số này rất ít. Từ khi có lệnh ban hành, chưa có người Trung Quốc nào nhập cảnh vào Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm.

Đặc biệt, ông Long cũng cho biết, hiện nay Việt Nam có thể tự chủ sản xuất test xét nghiệm kết hợp cùng với các nguồn viện trợ từ nước ngoài để sử dụng trong nước. "Chúng ta bình tĩnh thì chúng ta mới chiến thắng", Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.

An Vũ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI