Việt Nam: Cứ 100.000 PN, có 20 người mắc ung thư cổ tử cung

18/03/2015 - 14:39

PNO - PN - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định, ung thư cổ tử cung đang là vấn đề “nóng”, là một trong những căn bệnh có tỷ lệ gia tăng hàng đầu ở nước ta, cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ.

Tại Việt Nam, mỗi ngày có 9 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung và ước tính, cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung, trong đó 11 trường hợp tử vong.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 18/3.

Nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho người dân, nhất là người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn,Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (RaFH) phối hợp với Quỹ Ung thư cổ tử cung Australia đã thực hiện dự án sàng lọc ung thư cổ tử cung từ năm 2012 đến nay, tại 5 tỉnh: Hòa Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Hậu Giang. Nhóm đối tượng được khám phụ khoa và xét nghiệm tế bào cổ tử cung trong dự án chủ yếu từ 30-50 tuổi. Phần lớn phụ nữ tham gia dự án được khámsàng lọc đều bị viêm đường sinh dục.

Đơn cử: xét nghiệm cho 750 phụ nữ ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có đến 75% phụ nữ bị viêm nhiễm; tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, trong số hơn 2.200 phụ nữ được xét nghiệm, có trên 63% phụ nữ viêm cổ tử cung âm đạo, 50% phụ nữ viêm do vi sinh…

Tương tự ,xét nghiệm tại tỉnh Thái Bình và Cần Thơ có đến 70,5% phụ nữ tham gia dự án bị viêm nhiễm phụ khoa, chủ yếu là viêm âm đạo và viêm cổ tử cung bất thường. Phương pháp điều trị phổ biến là áp lạnh và đốt diệt tuyến bằng laser CO2.

Lý do khiến ung thư cổ tử cung phổ biến là: phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp và dễ tiếp cận; thậm chí ngay cả khi phụ nữ được phát hiện các tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả. Nhận thức của phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn về tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư cổ tử cung còn hạn chế.

Theo nhiều chuyên gia, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được sàng lọc và phát hiện ở giai đoạn sớm, vì thế, quá trình khám sàng lọc ung thư cổ tử cung là rất quan trọng.

Một điểm đáng chú ý được BS Phạm Kỳ Sơn - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chia sẻ: nhóm phụ nữ có trình độ đại học có tỷ lệ có tế bào ung thư, tiền ung thư cao nhất (11,9%), cao hơn hẳn nhóm phụ nữ ít học và mù chữ. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ có sử dụng thuốc tránh thai có tỷ lệ tế bào tiền ung thư, ung thư cổ tử cung cao hơn so với phụ nữ không dùng thuốc tránh thai (7,29% so với 4,17%). Đây là kết quả dựa trên con số thống kê từ hơn 2.200 phụ nữ tham gia dự án tại thành phố Hòa Bình, chưa thể lý giải được.

HUYỀN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI