Việt Nam có thể gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm nay

22/04/2024 - 19:44

PNO - Chia sẻ tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản tổ chức chiều 22/4, đại diện các địa phương cho hay, công tác gỡ thẻ vàng IUU đã có chuyển biến tích cực.

Đại diện tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 9 tàu cá vượt ranh giới trên biển. 100% số tàu cá dài từ 15m trở lên đã được lắp thiết bị giám sát hành trình.

Còn theo đại diện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ tháng 8/2022 đến nay tỉnh không có trường hợp tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. 97% tàu cá có chiều dài 15m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và sẽ hoàn thành 100% trong tháng 4/2024 này.

Nếu có quyết tâm thực hiện, năm nay Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng IUU - Ảnh minh hoạ
Nếu có quyết tâm thực hiện, năm nay Việt Nam sẽ gỡ được "thẻ vàng" IUU - Ảnh minh hoạ

Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Phú Yên cũng không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. 658/633 tàu (đạt 99,25%) của tỉnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn 5 tàu chưa lắp đặt thiết bị thì tỉnh đang quản lý chặt chẽ, không cho tham gia khai thác.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NN-PTNT) Lê Minh Hoan thông tin, đợt khảo sát của bộ mới đây cho thấy, các địa phương còn nhiều khó khăn như nguồn lực cho ngành thuỷ sản bị giới hạn; còn sự lúng túng trong sự phối hợp trong việc thông báo về tình trạng tàu cá vi phạm. Do đó, mấu chốt nằm ở quyết tâm của lãnh đạo địa phương và tinh thần phối hợp liên thông để cùng xử lý vấn đề.

Trong lần kiểm tra IUU hồi cuối tháng 10/2023, đoàn thanh tra Uỷ ban châu Âu (EC) khuyến nghị Việt Nam cần khắc phục 3 nội dung để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” gồm kiểm soát tàu cá không để khai thác bất hợp pháp tại nước ngoài, không để tàu mất kết nối 10 ngày, không để tàu “3 không” hoạt động (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép); tăng cường xử phạt vi phạm.

Hiện Bộ NN - PTNT đã chỉ đạo Cục thủy sản và Cục Kiểm ngư phải quản lý theo không gian biển chứ không quản lý kiểu “cắt khúc” địa phương. Với tình trạng tàu cá ngắt thiết bị giám sát hành trình. Chủ tàu viện lý do lỗi thiết bị, lỗi kết nối, đáng lẽ chủ tàu phải báo về đất liền và đây là vấn đề mà EC đề nghị Việt Nam phải minh bạch.

“Chúng ta hay nói pháp luật chưa có chế tài để xử phạt nhưng tại Kiên Giang đã có trường hợp đưa ra xử lý hình sự, điều này chứng tỏ nếu chúng ta quyết tâm làm thì cơ sở pháp lý đã đủ. Đây là lúc địa phương chứng tỏ sự đóng góp của mình cho hình ảnh quốc gia” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bà Trương Thị Mai - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương – cho biết, kể từ khi EC rút “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào châu Âu sụt giảm từ 6-10%, chi phí xuất khẩu gia tăng, thời gian vận chuyển cũng kéo dài do bị kiểm tra. Từ đứng vị trí thứ 2 xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN).

Những nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của Việt Nam cải thiện rất nhiều, đã có những chuyển biến tích cực thông qua các nội dung báo cáo của các tỉnh thành tại hội nghị. “Bộ NN&PTNT cần tiếp tục rà soát các địa phương để có những báo cáo cụ thể tỉnh nào làm tốt, tỉnh nào làm chưa tốt để tiếp tục thúc đẩy làm tốt hơn vấn đề này. Trong 28 tỉnh thành có hoạt động đánh bắt thuỷ sản, chỉ cần có 1 tỉnh làm không nghiêm thì sẽ ảnh hưởng đến việc gỡ “thẻ vàng”. Việt Nam có gỡ được “thẻ vàng” hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của các địa phương. Nếu có quyết tâm đi liền với hành động thì năm nay “thẻ vàng” IUU sẽ được gỡ bỏ” - Bà Trương Thị Mai nhận định.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang – kinh nghiệm tại các nước trên thế giới thì chưa có nước nào gỡ cảnh báo “thẻ vàng” lâu như nước ta. Thái Lan cũng chỉ mất 2 năm. Nếu tháng 5/2024 tới đây, chúng ta chưa gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” thì phải chờ tới 2,5 năm nữa mới khởi động lại vấn đề này. Một khi bị “thẻ đỏ” thì sẽ sụp đổ cả ngành xuất khẩu thuỷ sản. Do đó, các bộ, ngành và địa phương phải hành động quyết liệt. Ông đề nghị các bộ ngành phải thực hiện 7 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, phải nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”.

Thứ ba, xử lý nghiêm hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cứ, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Quy định hiện nay không đủ để xử phạt các hành vi vi phạm, thiếu hồ sơ hành vi để kết tội, xử lý. Do đó phải triển khai đồng bộ quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu.

Thứ tư, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài. Phải tổng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu, đặc biệt là đối với các lô hàng cá ngừ vây vàng, mắt to; cá cờ kiếm.

Thứ năm, phải điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp nào ngoại lệ.

Thứ sáu, phải tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp đang bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

Để phát triển bền vững ngành thủy sản, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị cần phải tập trung 5 giải pháp, nhiệm vụ dài hạn. Trong đó phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản. Thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân. Đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn thủy sản. “Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất, chuyển đổi số cho ngành thủy sản, gắn với sinh kế bền vững. Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, phân định vùng đặc quyền kinh tế, giải quyết các tranh chấp biển…” – Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Thanh Hoa - Hà Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI