Việt Nam có thể bán 25 triệu tín chỉ carbon

16/08/2024 - 11:53

PNO - Để tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ.

Tại tọa đàm “Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn tổ chức sáng 16/8 tại TPHCM, TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường nhấn mạnh, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ gắn liền với tăng trưởng xanh mà còn đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo.

Tính đến tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50 ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.

TS Trần Minh Hải (ảnh), Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT cho rằng cần nguồn nhân lực chất lượng để vận hành thị trường carbon
TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT cho rằng cần nguồn nhân lực chất lượng để vận hành thị trường carbon

Theo TS Trần Minh Hải, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp đang xây dựng kế hoạch thiết lập và hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV). Đến ngày 4/7/2024, Cục đã trình Bộ NN-PTNT phê duyệt Kế hoạch thực hiện MRV trên các mô hình thí điểm thuộc Đề án. Hệ thống MRV bao gồm ba phần chính: giảm đầu vào lượng phân đạm và thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD), quản lý và xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Hải nhấn mạnh, việc nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ nhân lực là rất cần thiết. "Nếu không thu được tín chỉ giảm phát thải thì chúng ta 'lỗ' chứ không 'lời'. Cần nhân lực để họ có thể thực hiện và quản lý các quy trình sản xuất mới, hiểu rõ và ứng dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật nhằm tối ưu hóa khả năng hấp thụ và giảm phát thải carbon trong nông nghiệp", TS Trần Minh Hải khẳng định và cho biết thêm, nhân lực trong lĩnh vực lúa gạo cần có kỹ năng lập hồ sơ, ghi chép nhật ký sản xuất, theo dõi dấu chân carbon. Bên cạnh đó, họ cần biết cách thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật, đo mực nước, giám sát nhà kho chứa và lò sấy lúa.

Đồng quan điểm, GS. TS. Võ Xuân Vinh đánh giá, việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. Đặc biệt, ngành nông nghiệp nước ta có lợi thế lớn tham gia vào thị trường carbon trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đi đầu trong bán tín chỉ carbon.

Năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng)…

Vì vậy, ông Vinh hi vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dự kiến, dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, truyền thông và phát triển nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trên quan điểm “muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm”. Để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ.

Trên cơ sở đó, đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần thúc đẩy, nâng cao nhận thức của người dân.

Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.

Hà Duyên - Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI