Lần đầu tiên, hai đại học quốc gia của Việt Nam lọt vào top 1.000 thế giới trong công bố ngày 7/6 của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Anh. Đại học Quốc gia TP.HCM đứng trong nhóm 701-750 và Đại học Quốc gia Hà Nội đứng trong nhóm 801-1.000. Nhưng liệu điều này có gì đáng mừng khi đối chiếu với đại học của các nước xung quanh và đối chiếu với “thực lực” của chính mình?
Vẫn lẹt đẹt top cuối
Với kết quả này, Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM tự hào mình được xếp vào top 69% ĐH hàng đầu có tên trong bảng xếp hạng QS World và thuộc nhóm 4% ĐH hàng đầu thế giới.
|
Đại học Quốc gia TP.HCM khi nào mới sánh kịp các đại học trong khu vực Đông Nam Á? |
Thông tin này được loan báo rộng rãi như một tin vui cho giáo dục ĐH Việt Nam. Nhưng các học giả, các nhà quản trị ĐH cảnh báo rằng, thực chất thứ hạng cao nhất của ta ấy đã bị ĐH các nước trong khu vực bỏ xa. Cho nên, thay vì tung hê quá độ thì những “người trong cuộc” nên bình tĩnh nhìn vào thực chất xem vị thế của chúng ta đang ở đâu so với các trường ĐH trong khu vực.
Theo thông tin từ tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, ĐH Quốc gia Singapore (NUS - Singapore) xếp thứ 11, ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) xếp thứ 17, ĐH Tokyo (University of Tokyo - Nhật Bản) xếp thứ 23, ĐH Hong Kong (HKU - Trung Quốc) xếp thứ 25, ĐH Quốc gia Seoul (SNU - Hàn Quốc) xếp thứ 36.
Như vậy, nếu chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn phải “hít khói” khi ĐH Malaysia (UM) đã lọt top 100 và chễm chệ ở hạng 87; ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) xếp thứ 271, ĐH Indonesia xếp thứ 292; ĐH Brunei Darussalam xếp thứ 323; ĐH Philippines xếp thứ 384.
Thống kê bài báo công bố ISI của các cơ sở nghiên cứu và giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn 1/1/2015 đến 31/5/2018: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp thứ nhất với 2.396 bài báo; thứ hai là Trường ĐH Tôn Đức Thắng với 1.546 bài báo; thứ ba là ĐH Quốc gia TP.HCM là 1.373 bài báo; thứ tư là ĐH Quốc gia Hà Nội với 1.234 bài báo; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xếp thứ năm với 1.075 bài báo. |
Có thể nói, trừ Lào, Campuchia, Myanmar thì các nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á đều đã có ĐH vào top 400 và chúng ta thì mới chỉ leo đến top 750. Nếu so con số tiến sĩ, giáo sư thì có lẽ chúng ta thuộc hàng “binh hùng, tướng mạnh”, nhưng tính đến hiệu quả về nghiên cứu khoa học, đào tạo, uy tín (những tiêu chí để đánh giá xếp hạng) thì lại bị bỏ xa.
Nên nhớ rằng, hai ĐH lọt vào top 1.000 lần này đều là hai ĐH quốc gia, nơi hội tụ nguồn nhân lực tinh túy và hưởng nguồn kinh phí từ ngân sách lớn nhất cả nước. Vậy kết quả này có gì hay để lấy làm vui? Thậm chí, nếu đem so với mục tiêu mà chính giáo dục ĐH Việt Nam đặt ra (đến năm 2020 Việt Nam có một trường ĐH lọt vào top 200 ĐH hàng đầu thế giới) thì kết quả này vẫn còn xa vời vợi và dường như đó là một nhiệm vụ… bất khả thi.
Nhìn vào số lượng bài báo công bố ISI/Scopus thì các trường ĐH Việt Nam chỉ nhỉnh hơn một chút so với ĐH Chulalongkorn của Thái Lan, còn bằng sáng chế thì thua cả Indonesia, sẽ thấy ước mơ đua vào các bảng xếp hạng “chiếu trên” của các ĐH thế giới chỉ là mơ ước.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng từng khẳng định: để lọt vào top 100 thế giới không dễ, vì vào được top này tức là phải đẩy được trường nào đó đang trong top này ra ngoài. Các trường trong top 100 đều là trường danh tiếng, lâu đời, chủ yếu tại châu Âu, châu Mỹ, Úc và một số ít trường tại khu vực châu Á. “Tuổi thọ” trung bình của các trường nằm trong top 100 là hơn 175 năm.
Mục tiêu lọt vào top được nhiều quốc gia đặt ra, vì vậy tính cạnh tranh rất cao. Có lẽ, đặt mục tiêu lọt vào top 200 châu Á thì dễ hơn nhiều, vì khi đó các trường tinh hoa của châu Âu, Úc, Mỹ đã bị loại trừ.
Xếp hạng Đại học cũng năm bảy kiểu
Giáo sư Alison Richard, nguyên Hiệu trưởng ĐH Cambridge, từng nói: “Xếp hạng ĐH nào cũng có khiếm khuyết, không đánh giá toàn diện một trường ĐH và không thể dùng để so sánh trường này tốt hơn trường khác”. Thứ hạng của một trường chỉ mang tính tương đối, vì chỉ cần thay đổi trọng số cho các tiêu chí đánh giá, thêm bớt tiêu chí là thứ hạng có thể thay đổi.
Thứ hạng lên xuống không chỉ phụ thuộc vào đẳng cấp hay phong độ của chính ngôi trường đó mà đôi khi chỉ phụ thuộc vào tiêu chí đánh giá của tổ chức xếp hạng. Chẳng hạn, trong năm 2015, tổ chức Academic Ranking of World Universities (ARWU) xếp ĐH Harvard đầu bảng, QS lại xếp Trường MIT vào vị trí đầu bảng, còn Times Higher Education (THE) thì chọn Caltech ở vị trí cao nhất… Hoặc Trường ĐH Lomonosov của Nga, trong bảng xếp hạng năm 2015 của ARWU xếp thứ 86, còn QS thì xếp thứ 108 và sang đến bảng xếp hạng của THE thì rớt xuống vị trí 161.
Bởi thế, các nhà quản trị ĐH cho rằng, việc lọt vào top bao nhiêu còn tùy thuộc vào sự “tinh ý” của trường chọn bảng xếp hạng nào phù hợp để “đua”. Trong cuộc họp bàn mới đây về xếp hạng ĐH do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cho thấy rõ sự phân biệt này. Trường ĐH ngoài công lập, trường tầm trung thì đòi chọn các tổ chức xếp hạng vừa sức để theo đuổi; trường có thế mạnh nghiên cứu thì đòi lấy bảng xếp hạng uy tín làm mục tiêu. Xếp hạng ĐH cũng là một thị trường hỗn tạp, có cao cấp và cũng có thứ phẩm, bởi thế lọt top này hay top kia chưa chắc đã phản ánh đúng thực chất.
Có ý kiến cho rằng, bảng xếp hạng QS không quan tâm nhiều đến nghiên cứu, chỉ tính 20% trích dẫn cào bằng. Những nghiên cứu theo kiểu “ké tên” cũng được tính. Ngoài ra, trường tham gia xếp hạng cũng phải tranh thủ đề cử. Tiến sĩ Lê Văn Út - Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cho biết: đối với bảng xếp hạng của QS thì phải nộp hồ sơ mới được xem xét. Trong khi ARWU, Leiden thì không cần nộp hồ sơ, họ tự xét dựa vào các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín. Ban đầu, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng định tham gia, nhưng khi được chào các “gói quảng cáo ngàn đô” hoặc tham gia “hội thảo ngàn đô” thì đơn vị này đã bỏ chạy, vì cảm thấy… không phù hợp.
Phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, là một chuyên gia được mời bình chọn các trường trong QS rankings và đã bỏ phiếu cho ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhưng theo ông, về mặt thương mại thì các tổ chức xếp hạng mà cứ gợi ý đóng tiền thì mình không tham gia.
Tiêu Hà