Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang nguồn năng lượng sạch

01/12/2023 - 06:20

PNO - Theo Reuters, JETP dự kiến sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến vào năm 2030 thay vì 2035.


Dẫn nguồn tin từ cố vấn khí hậu của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội Mark George, hãng thông tấn AP cho biết, sau nhiều tháng phối hợp với các bộ ngành chủ chốt của Việt Nam, kế hoạch huy động tài nguyên trị giá 15,5 tỉ USD để chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch đã hoàn thiện hôm 23/11.

Các tấm pin mặt trời tại nhà máy điện Sao Mai ở An Giang - Nguồn ảnh: AFP
Các tấm pin mặt trời tại nhà máy điện Sao Mai ở An Giang - Nguồn ảnh: AFP

Cột mốc quan trọng

Theo cố vấn Mark George, Vương quốc Anh là đồng chủ tịch của nhóm 9 quốc gia công nghiệp phát triển đã đồng ý cung cấp 15,5 tỉ USD giúp Việt Nam chấm dứt sự phụ thuộc vào điện than vốn gây ô nhiễm môi trường nặng nề để nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Đây là một phần của thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mà Việt Nam đã tham gia từ tháng 12/2022. JETP là một trong những cơ chế tài chính cao cấp nhất được thiết kế để các nền kinh tế phát triển có thể hỗ trợ kinh phí cho một số nước đang phát triển nhằm hướng tới mục đích loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại các quốc gia này.

Ông George cho hay, kế hoạch chi tiết về sử dụng số tiền 15,5 tỉ USD sẽ được Việt Nam công bố tại Hội nghị khí hậu thường niên của Liên hiệp quốc COP28 diễn ra ở Dubai từ ngày 30/11 - 12/12. Báo chí quốc tế cũng đánh giá cao kế hoạch năng lượng quốc gia của Việt Nam được công bố vào đầu năm nay. Theo đó, nhiều giải pháp được đề ra nhằm tăng gấp đôi công suất phát điện tối đa lên khoảng 150GW vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy mạnh việc từ bỏ sử dụng nhiệt điện từ than, cam kết không xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới kể từ năm 2030.

Kế hoạch cũng kêu gọi mở rộng sử dụng khí đốt trong nước và khí tự nhiên hóa lỏng hoặc nhập khẩu LNG. Các nguồn năng lượng này sẽ chiếm khoảng 25% tổng công suất phát điện. Thủy điện, điện gió, điện mặt trời và các nguồn tái tạo khác sẽ chiếm gần 50% tổng công suất phát điện vào năm 2030.

Trạm sạc xe điện tại một bãi đậu xe ở Hà Nội - Nguồn ảnh: EPA
Trạm sạc xe điện tại một bãi đậu xe ở Hà Nội - Nguồn ảnh: EPA

500 triệu tấn khí thải có thể được cắt giảm vào năm 2035

Trả lời báo chí về thỏa thuận 15,5 tỉ USD, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, đây là bước đi cụ thể để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện chủ trương, chính sách xây dựng nền kinh tế xanh, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với sự hỗ trợ của quốc tế.

Điều đó thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay. “Tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra rất nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi và hợp tác với các nước và các đối tác quốc tế khác… vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu” - bà nói.

Theo Reuters, JETP dự kiến sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến vào năm 2030 thay vì 2035; hạn chế lượng phát thải khí CO2 của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn vào năm 2030 và xuống còn 101 triệu tấn vào năm 2050; giới hạn công suất điện than ở mức 30,2GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030. Như vậy, khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu này hoàn thành.

Vào tháng 7/2023, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban thư ký thực hiện tuyên bố liên quan JETP. Chính phủ khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo và xe điện. Việt Nam cũng đã dự thảo các cam kết cải cách và hơn 400 dự án có thể nhận tài trợ từ nhóm G7, trong đó có 272 dự án về cơ sở hạ tầng năng lượng như trang trại gió, năng lượng mặt trời, nâng cấp lưới điện... Các nhà tài trợ đã khuyến khích Việt Nam đặt nhiều tham vọng hơn với những cải cách nhằm tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo và cải thiện lưới điện.

Reuters đưa tin, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự COP28 cho thấy nhiều khả năng kế hoạch cung cấp cho Việt Nam 15,5 tỉ USD sẽ được chính thức công bố tại đây. 

Nam Anh (theo AP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI