Việt Nam chưa sản xuất được ốc vít nhưng cũng có ngành nước ngoài đấu không lại

13/09/2019 - 13:31

PNO - Dẫn câu nói nổi tiếng Việt Nam chưa sản xuất được ốc vít, Hội in TP.HCM khẳng định ngành in thì khác. Riêng về in bao bì, doanh nghiệp Việt Nam gần như đánh bại các đối thủ nước ngoài.

Ông Ngô Anh Tuấn – Chủ tịch Hội in TP.HCM đưa ra nhận định trên tại buổi họp báo ngày 13/9 cho triển lãm ngành in TP.HCM sắp diễn ra.

Triển lãm ngành in được tổ chức trong hoàn cảnh các doanh nghiệp in trong nước đang đối mặt với làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào Việt Nam, nhất là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Thị trường in trong nước vốn là miếng bánh màu mỡ của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với khả năng bị các doanh nghiệp nước ngoài lấn sân, khó giữ được thị phần.

Ông Ngô Anh Tuấn cho biết, trong 3 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của in bao bì tăng từ 15-17%/năm. Sản lượng trung bình mỗi năm là 2 tỷ USD; chiếm 1% GDP cả nước. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ngành in Việt Nam không thua ai.

Viet Nam chua san xuat duoc oc vit nhung cung co nganh nuoc ngoai dau khong lai
Các hoạt động của Đường sách TP.HCM đã góp phần phục hồi thói quen đọc sách giấy của người dân

Tuy nhiên, có một làn sóng doanh nghiệp nước ngoài đang tràn vào Việt Nam. “Có hai tập đoàn của Trung Quốc đã qua Việt Nam với 6 nhà máy đặt tại Thái Bình, Hải Dương, sử dụng 40.000 nhân công. Các doanh nghiệp của Mỹ và châu Âu đang ngấp nghé. Các doanh nghiệp Nhật Bản, Hồng Công thì mua lại doanh nghiệp in có vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể có 2 doanh nghiệp in Thái Lan tại Việt Nam đã bán cho Nhật”, ông Ngô Anh Tuấn dẫn chứng.

Quá trình thôn tính thị trường in ấn tại Việt Nam do đó sẽ diễn ra, khi các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất mỏng manh. Theo ông Ngô Anh Tuấn, doanh nghiệp in trong nước không thể “so găng” với doanh nghiệp nước ngoài ở nhiều khía cạnh như sự chuyên nghiệp trong sản xuất; công nghệ hiện đại và công suất in ấn.

Ông Tuấn đưa ra ví dụ, với đơn hàng in 1 triệu đầu sách chẳng hạn, các doanh nghiệp in tại TP.HCM sẽ không thể đáp ứng nổi vì thông thường chỉ in vài trăm ngàn bản. Chỉ còn cách là các doanh nghiệp in ấn phải liên kết với nhau.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài khi đặt hàng in ấn cũng yêu cầu rất kỹ về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe công nhân. Thực tế, tuy sản phẩm in ấn tại Việt Nam vẫn xuất khẩu ra nước ngoài được nhưng một số thì không vì bị phát hiện hóa chất tồn dư. Ông Tuấn giải thích những hóa chất tồn dư này xuất hiện do sử dụng cồn, chất tẩy rửa, xăng dầu, thậm chí trong giấy… khi in ấn.

Viet Nam chua san xuat duoc oc vit nhung cung co nganh nuoc ngoai dau khong lai
Ông Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội in TP.HCM trao đổi với báo chí về tình hình phát triển của ngành in

Từ những cơ hội và thách thức khi doanh nghiệp nước ngoài tràn vào Việt Nam, ông Ngô Anh Tuấn kỳ vọng triển lãm ngành in TP.HCM diễn ra từ 18-21/9/2019 sẽ giúp kết nối các doanh nghiệp ngành in trong nước; bàn về cách thay đổi công nghệ in ấn vừa giảm tác hại môi trường vừa có hiệu quả; thay đổi cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ngành in…

Theo ông Ngô Anh Tuấn, ngoài lĩnh vực in bao bì đang tăng trưởng cao, in xuất bản phẩm (sách, tranh, ảnh, lịch, tờ rơi…)   đã tăng trưởng trong 2 năm qua, phục hồi đến mốc của 5 năm trước đây. Trong tương lai, lĩnh vực in xuất bản phẩm có thể tiếp tục tăng trưởng nhưng theo loại hình sách media (tích hợp âm thanh, hình ảnh vào xuất bản phẩm).

Giải thích về sự phục hồi của ngành xuất bản phẩm, ông Tuấn nhận định nguyên nhân có thể do sự thay đổi thói quen của người dân từ đọc sách điện tử sang đọc sách giấy, nhất là trước thông tin về sự ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của các thiết bị điện tử. Nhiều người nhận ra sách điện tử hoàn toàn không thể thay thế sách giấy. Theo nhận định của ông Tuấn, báo in sẽ không có sự phục hồi trở lại nhưng với xuất bản phẩm thì hoàn toàn có thể.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI