Việt Nam cần xây dựng chỉ số hạnh phúc của con người

26/10/2024 - 09:39

PNO - ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) đề xuất tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, sáng 26/10.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân - ảnh: V.P
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: V.P.

Sáng 26/10, đóng góp ý kiến vào báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, tại phiên thảo luận tổ của đoàn TPHCM, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều chỉ số cao về kinh tế vĩ mô. GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%. Chỉ số giá CPI 9 tháng đầu năm là 3,88%. Đây là 2 chỉ tiêu được nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu tăng 16%, dự kiến cả năm tổng xuất nhập khẩu khoảng 800 tỉ USD. Đây là số “cực kỳ lớn” khẳng định sự tiến bộ của đất nước. Ngoài ra, còn nhiều chỉ số được đánh giá cao như: thu ngân sách dự kiến vượt 10%; chỉ số an toàn, an ninh mạng đứng thứ 17 trên thế giới; chỉ số sáng tạo đứng thứ 44 trên thế giới, so với quy mô kinh tế đứng thứ 35...

Dù nỗ lực nhưng kinh tế Việt Nam vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, tỉ lệ giải ngân vẫn chậm. Tỉ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023. “Đây là khó khăn, bức xúc kéo dài, cần có giải quyết dứt điểm. Chúng ta phải nỗ lực sửa đổi luật, tháo gỡ hết khó khăn về thể chế” - ông nói.

Ông cũng chỉ ra, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Đây là lý do khiến GDP tăng chậm theo. Nên muốn thúc đẩy GDP cần phải nâng cao năng suất lao động. ĐBQH kiến nghị, cần có báo cáo đánh giá năng suất lao động để sắp tới cần đưa năng suất lao động vào chỉ tiêu quốc gia.

Đầu tư ngân sách cho giáo dục đào tạo và y tế, theo ĐBQH, cũng ở mức thấp, trong khi nhu cầu xã hội lại rất lớn. Ông nêu thực tế, khi tăng đầu tư xã hội hóa thì đầu tư ngân sách cho giáo dục, y tế lại giảm.

Một vấn đề trăn trở khác là biến động của thị trường vàng. Tháng 12/2023, 1 lượng vàng SJC là 73 triệu đồng, tháng 10/2024 con số này đã lên 88 triệu đồng. Như vậy, giá vàng đã tăng tới 20%. “Tài sản người dân giữ bằng tiền mất đi. Điều này tác động cả tâm lý lẫn đầu tư” - ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nói.

Trước thực tế trên, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Chính phủ cần làm rõ quan điểm về xã hội hóa giáo dục, y tế; trách nhiệm đầu tư, quản lý của Nhà nước. Nếu tiếp tục “treo” tới nhiệm kỳ sau sẽ cản trở sự phát triển của đất nước. Ông cho rằng, thực chất, đây là vấn đề liên quan tới nhận thức, thể chế và điều hành.

Một nội dung khác mà Chính phủ hiện vẫn đang “nợ”, đó là chưa công bố mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu của người dân. Ông lấy ví dụ, chúng ta có văn bản hỗ trợ người dân thu nhập thấp trong đào tạo nghề nhưng các địa phương không áp dụng được vì không biết thế nào là thu nhập thấp.

Do đó, Chính phủ cần tập trung trong năm 2025, công bố mức sống tối thiểu và dự kiến mức sống tối thiểu trong 5 năm tới. Hiện nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật... không chỉ công bố mức sống tối thiểu mà còn có lương đủ sống cho 4 người. Nghĩa là, 1 gia đình có 2 người đi làm, lương đủ sống để nuôi 2 người con là bao nhiêu.

“Như vậy sau khi công bố thế nào là thu nhập thấp, chúng ta phải xác định lương đủ sống tối thiểu để xác định 1 gia đình có thể sinh đủ 2 con” - ĐBQH nói.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cũng đặc biệt quan tâm tới chỉ số hạnh phúc của con người. Báo cáo của Chính phủ nêu, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp hạng thứ 54 trên toàn thế giới. Ông đặt câu hỏi: “Việt Nam luôn cố gắng chăm lo để người dân hạnh phúc hơn nhưng vì sao chỉ số này lại thấp như vậy? Bác Hồ đã từng nói “Nếu độc lập tự do mà nhân dân không có hạnh phúc thì độc lập đó không có ý nghĩa gì”.

Trong khi đó, các nội dung để đánh giá chỉ số hạnh phúc của Việt Nam chưa có. ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo xây dựng chỉ số hạnh phúc riêng của người Việt Nam.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI