Việt Nam - Australia thúc đẩy các giải pháp trồng rừng đối phó biến đổi khí hậu

29/11/2022 - 17:48

PNO - Đây là 1 trong 6 dự án quan hệ đối tác về thị trường các-bon tại Việt Nam vì hành động khí hậu và tăng trưởng kinh tế bao trùm.

Ngày 29/11, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã công bố 6 dự án về quan hệ đối tác khu vực tư nhân mới nằm trong khuôn khổ Nền tảng đối tác kinh doanh (BPP) nhằm thúc đẩy sự phát triển của các thị trường các-bon bền vững mang lại lợi ích đáng kể cho môi trường và xã hội tại Việt Nam.

Đại biện lâm thời Mark Tattersall cùng đại diện sáu dự án quan hệ đối tác chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Ảnh: ĐSU
Đại biện lâm thời Mark Tattersall cùng đại diện 6 dự án quan hệ đối tác chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam - Ảnh: ĐSU

6 dự án gồm khuyến khích sản xuất lúa gạo phát thải thấp thông qua công nghệ vệ tinh giữa CarbonFarm Technology, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (Việt Nam), Rikolto và DFAT để đào tạo và hỗ trợ các đơn vị sản xuất lúa gạo chuyển sang thực hành phát thải thấp hơn ra môi trường.

Dự án thứ hai là mở rộng tiếp cận thị trường các-bon cho các nhà sản xuất lúa gạo bền vững được hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế, Gold Standard và DFAT để xây dựng phương pháp mới nhằm tạo ra tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa gạo.

Dự án thứ ba thúc đẩy các dự án các-bon dựa vào thiên nhiên để nhận diện cơ hội cho các Giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) trên toàn quốc. Những bài học thu được sẽ được sử dụng để xây dựng bộ công cụ và tạo đà cho tăng trưởng trong tương lai và đầu tư của khu vực tư nhân vào NbS tại Việt Nam.

Dự án thứ tư trồng cây vùng cao để tạo thu nhập và hấp thụ các-bon. Qua đó Việt Nam tạo ra tín chỉ các-bon bằng cách trồng cây lấy gỗ và cây đa năng (trái cây và gỗ) trên đất dốc ở tỉnh Sơn La. Dự án đặt mục tiêu trồng 100.000 cây xanh và tạo ra ít nhất 300.000 tấn các-bon giảm cho tín chỉ các-bon và cải thiện sinh kế địa phương và môi trường.

Dự án thứ năm là than sinh học để loại bỏ các-bon và cải thiện sinh kế. Đây là dự án sản xuất than sinh học ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của dự án nhằm loại bỏ khoảng 15.000 tấn CO2e hàng năm, tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương thông qua tín chỉ các-bon và mua nguyên liệu sinh khối.

Dự án thứ sáu nhằm thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua các dự án trồng rừng các-bon. 

Đại biện lâm thời Mark Tattersall cùng đại diện dự án Thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua các dự án trồng rừng các-bon. Ảnh: ĐSU
Đại biện lâm thời Mark Tattersall cùng đại diện dự án Thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua các dự án trồng rừng các-bon - Ảnh: ĐSU

6 dự án quan hệ đối tác đa phương nêu trên được hỗ trợ với khoản đầu tư 3,3 triệu USD của DFAT và tận dụng hơn 3,7 triệu USD vốn từ khu vực tư nhân nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho các dự án thị trường các-bon ở Việt Nam. Đây là những dự án có khả năng mang lại tác động xã hội và môi trường bền vững và có thể kiểm chứng.

Các dự án quan hệ đối tác mới sẽ thử nghiệm và thí điểm các cách tiếp cận mới trong khuôn khổ thị trường tự nguyện để giảm phát thải khí nhà kính, giảm rào cản gia nhập thị trường các-bon cho các nhà sản xuất, nâng cao năng lực cho các bên liên quan ở trong nước và đem lại lợi ích quan trọng cho xã hội.

“Úc mong muốn cùng Việt Nam và khu vực đạt được các mục tiêu chung trong ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu. Các dự án quan hệ đối tác thị trường các-bon trong khuôn khổ chương trình BPP là một phần cam kết của Australia nhằm tăng cường hỗ trợ hành động khí hậu trong khu vực của chúng tôi, bao gồm các dự án quan hệ đối tác khí hậu để đem lại lợi ích xã hội và môi trường cho cộng đồng”, Đại biện lâm thời Mark Tattersall nói.

Chương trình Nền tảng đối tác kinh doanh hỗ trợ quan hệ đối tác giữa DFAT và các doanh nghiệp với mục tiêu đạt được kết quả phát triển chiến lược, tập trung vào bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và tác động khí hậu. Kể từ năm 2016, chương trình đã hỗ trợ 52 dự án quan hệ đối tác tại 18 quốc gia.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI