Việt hóa phim Hàn: Phép mầu nào cho bình rượu cũ?

09/03/2018 - 07:27

PNO - Sau 'Em là bà nội của anh', điện ảnh Việt đã tìm ra tác phẩm kế thừa thành công của dòng phim remake: 'Tháng năm rực rỡ'.

Như vậy, trong vòng ba năm, đã có bốn phim Hàn được Việt hóa ra rạp (hai phim còn lại là Sắc đẹp ngàn cânYêu đi đừng sợ. Tháng tới sẽ có thêm hai phim Việt làm lại từ kịch bản Hàn ra rạp là Ông ngoại tuổi 30 - Scandal Makers (khởi chiếu ngày 30/3) và Yêu em bất chấp - My sassy girl (khởi chiếu ngày 6/4). Từ “hiện tượng” Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ, đâu là phép mầu để “bình mới rượu cũ” vẫn ngon?

Viet hoa phim Han: Phep mau nao cho binh ruou cu?

Tháng năm rực rỡ thành công nhờ khơi gợi cảm xúc về thời thanh xuân của mỗi người

Gửi vàng đúng mặt

Nếu như Em là bà nội của anh đưa tên tuổi Miu Lê vụt sáng thì Tháng năm rực rỡ cũng giúp Hoàng Yến Chibi vươn lên. Trước khi Tháng năm rực rỡ ra mắt, không ít nghi ngờ khi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trao vai nữ chính cho Yến - cô gái chưa có dấu ấn gì trên màn ảnh rộng trừ vai phụ trong phim Cô gái đến từ hôm qua. Tuy nhiên, với những gì đã thể hiện trong Tháng năm rực rỡ, Hoàng Yến chứng tỏ cô sẽ còn tiến xa. Ngoài Hoàng Yến Chibi, Tháng năm rực rỡ cũng tìm được dàn diễn viên nữ hai thế hệ rất hợp vai: Thanh Hằng, Tuyền Mập, Jun Vũ, Mỹ Duyên, Mỹ Uyên.

Với một sản phẩm làm lại, tay nghề đạo diễn đòi hỏi ở mức cao để không bê nguyên xi mà vẫn giữ được tinh thần bản gốc. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đúc kết: “Bản phim gốc đã quá hay, nên khi chuyển thể, rất khó làm hay hơn mà chỉ có cách làm cho khán giả đồng cảm hơn thôi”.

Sắc đẹp ngàn cân, vai nữ chính giao cho Minh Hằng không phải là lựa chọn sáng suốt vì gương mặt cô mòn nhẵn trên màn ảnh, khiến khán giả không còn tò mò chờ xem Hà My từ vịt hóa thành thiên nga thế nào - trái ngược với bản gốc, thời điểm đóng phim, Kim Ah-Joong là tên tuổi mới; nét đẹp trong sáng, mong manh của cô cũng phù hợp nên khi cô tháo lớp băng trắng, để lộ gương mặt xinh đẹp, người xem tha hồ ngạc nhiên.

Tinh thần của Sunny là tuổi thanh xuân tươi đẹp của các cô gái và Nguyễn Quang Dũng đã nắm bắt tốt điều này để đưa vào Tháng năm rực rỡ. Không khí, màu sắc phim toát lên nét trẻ trung, tràn đầy năng lượng. Đáng khen nhất là công tác chỉ đạo diễn xuất đối với 11 diễn viên nữ để duy trì mạch tâm lý, tính cách nhân vật được nhất quán ở phiên bản trẻ và lúc trưởng thành, giúp cảm nhận của người xem về nhân vật không bị đứt gãy.

Viet hoa phim Han: Phep mau nao cho binh ruou cu?
Phim Em là bà nội của anh

Tương tự Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh tìm ra mối đồng cảm giữa anh với câu chuyện trong Miss Granny để biến hóa Em là bà nội của anh. Chủ đề thời thanh xuân của bản gốc, khi sang bản Việt, được chuyển thành tình mẫu tử, tình cảm gia đình, phù hợp với tâm lý văn hóa Việt. Sắc đẹp ngàn cân không may mắn khi được đặt vào tay một đạo diễn vốn chỉ là đạo diễn hình ảnh nên cho ra một bộ phim chỉ tốt về hình thức (khung hình chỉn chu, màu sắc lung linh…) nhưng vô hồn vì cách kể chuyện hời hợt, nhịp phim kém thu hút.

Có bột sẽ gột nên hồ?

Yếu tố thành bại của một kịch bản Việt hóa còn nằm ở tài năng biên kịch. Phim được chọn làm lại tất nhiên đã có nền tảng kịch bản hay, nhưng nếu không biết thêm thắt yếu tố Việt thì cũng khó thành công.

Bản gốc của Em là bà nội của anhTháng năm rực rỡ lần lượt ra đời vào năm 2014 và 2011 - cách phiên bản Việt không quá xa, nên câu chuyện trong phim không bị khoảng cách thời đại lớn như Sắc đẹp ngàn cân với bản gốc vốn xuất hiện từ năm 2008. Thời gian 10 năm của 200 pounds beauty khiến câu chuyện trong bản phim Việt khó được khán giả đồng cảm, bởi quan điểm về phẫu thuật thẩm mỹ đã khác.

Kịch bản Em là bà nội của anhTháng năm rực rỡ đã điều chỉnh chi tiết: nhân vật chính trong Miss Granny mê cô đào Audrey Hepburn, trong bản Việt thì thần tượng nghệ sĩ cải lương Thanh Nga; các ca khúc Hàn trong bản gốc biến thành nhạc Trịnh; món canh kim chi thay bằng canh nêm mắm tôm… Tháng năm rực rỡ gây dấu ấn ở phần sáng tạo thời điểm, bối cảnh lịch sử - thay phong trào đấu tranh dân chủ, chống chế độ độc tài ở bản gốc bằng phong trào sinh viên Việt Nam xuống đường để lý giải cho sự phân ly kéo dài 25 năm của nhóm Ngựa hoang.

Nói về cái khó của khâu chuyển thể kịch bản, nhà sản xuất - đạo diễn Charlie Nguyễn bày tỏ: “Một phim gốc mà khi xem mình nhận thấy kịch bản còn vài chỗ thiếu sót, có thể khắc phục cho hay hơn thì sẽ tạo hứng thú làm lại hơn là một phim mà xem xong chả thấy lỗi gì để sửa”.

Remake phim nước ngoài là xu hướng của điện ảnh Việt trong hoàn cảnh phim Việt đang tăng lượng mà kịch bản vẫn yếu. Làm phim copy cũng là thử thách nghề nghiệp. Có điều, phép mầu chỉ phát huy tác dụng khi cả ba yếu tố diễn viên - đạo diễn - kịch bản được kết hợp hài hòa, mang tới một câu chuyện giàu cảm xúc, bởi suy cho cùng, với một bộ phim đã biết hết cốt truyện thì cảm xúc là thứ mà khán giả tìm kiếm.

 Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI